Thịt chó có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?

Thứ ba, 23/05/2017 10:20

(Cadn.com.vn) - Đó là câu hỏi đặt ra trong bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được mọi người quan tâm. P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã “gõ cửa” các cơ quan chức năng để đưa đến bạn đọc những cái nhìn thực tế.

Ông Trần Tới - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Đà Nẵng cho biết: Theo quy định tại Thông tư số 09 ngày 1-6-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chó không thuộc danh mục động vật phải kiểm soát giết mổ. Việt Nam không thừa nhận việc giết mổ chó sử dụng với mục đích thực phẩm. Vì, tại cuộc họp được tổ chức vào năm 2009 giữa Cục Thú ý cùng các cơ quan có liên quan và nhiều tổ chức quốc tế, các đại biểu thống nhất quan điểm nếu đưa thịt chó vào diện kiểm soát giết mổ có thể làm phương hại đến quan hệ ngoại giao và thương mại của Việt Nam với các nước và cộng đồng quốc tế. Cũng tại Thông tư 09 không quy định việc kiểm tra vệ sinh thú y, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với các cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt chó. Do vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Đà Nẵng không thực hiện việc kiểm soát giết mổ đối với các cơ sở giết mổ trên địa bàn.

Cũng theo ông Tới, tất cả công đoạn giết mổ, kinh doanh thịt chó được thực hiện một cách tàn bạo, không đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, người tiêu thụ thịt chó dễ gặp những nguy cơ về sức khỏe, mắc các bệnh dại, xoắn khuẩn, bệnh tả... Để tránh việc bị ngộ độc hoặc mắc phải các chứng bệnh khác, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Đà Nẵng khuyến cáo  người tiêu dùng nên bỏ dần thói quen sử dụng thịt chó.

Những chú chó đang bị mổ thịt không rõ nguồn gốc và không được  kiểm dịch.

Qua tìm hiểu được biết, trên địa bàn TP Đà Nẵng có hàng trăm quán chuyên kinh doanh “cầy tơ”, với những món truyền thống như: tiết canh, hấp, rượu mận, dồi nướng... Mỗi ngày một quán tiêu thụ từ 2 đến 3 con chó. Những chú chó được sử dụng làm thực phẩm tại các quán đều không có nguồn gốc rõ ràng, được thu mua từ những “cẩu tặc” trên địa bàn. Để cung cấp cho các quán, trộm chó dùng nhiều công cụ, phương tiện, từ việc sử dụng cyanua tẩm vào thức ăn hoặc dùng búa đập, súng xung điện. Ngoài ra, các quán còn có nguồn cung cấp hợp pháp là thu mua từ những người mua bán rong. Tuy nhiên, những chú chó được tiêu thụ tại địa bàn TP Đà Nẵng, đa phần đều là những chú chó ghẻ, bị bệnh... không thể vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc. Theo nhiều người, “có cầu ắt phải có cung”, do người sử dụng thịt chó vẫn còn nhiều nên tình trạng trộm chó đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội. Cũng từ đây, nhiều vụ án đau lòng xảy ra.

Về mức độ an toàn của thịt chó, ông Nguyễn Minh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Đà Nẵng, cho biết: Đơn vị chỉ kiểm tra đột xuất điều kiện chế biến, bảo quản nhưng không cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những quán kinh doanh thịt chó trên địa bàn. Về phương diện khách hàng của những quán thịt chó, anh Lê Thanh Hoàng (trú Cẩm Lệ, Đà Nẵng) chia sẻ: “Trước đây, thịt chó được xem là món khoái khẩu nhưng khi chứng kiến cảnh tượng mổ thịt quá mất vệ sinh nên mình đành giã từ”.

Trong quá trình xâm nhập thực tế, chúng tôi đã phát hiện việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với những quán thịt chó trên địa bàn TP Đà Nẵng đã và đang bị buông lỏng. Những đĩa thịt được chế biến thơm lừng chẳng biết có nguồn gốc ở đâu, là thịt của những chú chó bị nhiễm chất độc cyanua hay chó chết vì những căn bệnh truyền nhiễm... thì chẳng ai hay.

Hy vọng trong thời gian đến, các cơ quan chức năng có những biện pháp quản lý chặt chẽ, buộc các cơ sở kinh doanh thực phẩm từ chó thực hiện đầy đủ các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

M.T