Thổ Nhĩ Kỳ và “hố sâu” Syria

Thứ hai, 22/02/2016 09:17

(Cadn.com.vn) - Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước ngã ba đường nguy hiểm sau quyết định dấn sâu vào cuộc nội chiến ở Syria, động thái mà giới phân tích cảnh báo có thể dẫn đến cuộc xung đột vũ trang với Nga.

Pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ bắn vào Syria từ thị trấn biên giới Kilis. Ảnh: AP

Quá nhiều câu hỏi đang bủa vây Thổ Nhĩ Kỳ. Liệu chính phủ Tổng thống Erdogan có thể trở lại con đường hòa bình sau quyết định bị chỉ trích ở Syria. Ankara cần phải làm gì để vượt qua thất bại trong chính sách đối ngoại hiện nay, một trong những vấn đề tồi tệ nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại?

Thực tế thật trớ trêu! Bởi lẽ “đội ngũ” những người chịu trách nhiệm trực tiếp cho mớ hỗn độn này - Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu -  cũng chính là “đội ngũ” mà một thập kỷ trước đây đã có những bước đột xuất trong việc tạo ra chính sách đối ngoại mới, sáng tạo và thành công. Chuyện gì đang xảy ra? Ankara có thể tự bước ra khỏi hố sâu mà họ đã tự đào để chôn mình hay không? Câu trả lời rất đơn giản: cả ông Erdogan và Davutoglu nên trở về đúng nguyên tắc thành công mà họ đang liều lĩnh bỏ rơi, trong đó, nhiệm vụ cấp bách nhất là ngừng chiến ở Syria.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã can dự sâu hơn vào Syria khi tiếp tục pháo kích các vị trí của Lực lượng các đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG). Ankara thậm chí còn đang nỗ lực phát động mở chiến dịch trên bộ chung ở Syria với các đồng minh quốc tế, cho rằng đó là cách duy nhất để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Tất nhiên, chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad phản ứng gay gắt trước những động thái này của quốc gia láng giềng, tuyên bố sẽ không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm chủ quyền Syria. “Cộng đồng quốc tế chịu trách nhiệm đối với những hành động ngu ngốc của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ”, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad hôm 21-2 nhấn mạnh.

Không chỉ Syria, động thái lần này của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều nước quan ngại. Ngay cả Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho rằng, chính Ankara đang tạo ra nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa Nga-Thổ - hai quốc gia đang trong mối quan hệ căng thẳng cực độ. Thậm chí, NATO cũng tỏ ra không hài lòng với “đứa con khó bảo này” khi nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ không nên chờ mong vào sự hỗ trợ vô điều kiện của liên minh này nếu xảy ra chiến tranh với Nga. NATO khẳng định không thể vì những mâu thuẫn Moscow-Ankara mà cuốn mình vào sự leo thang xung đột với Nga.

Moscow không ngần ngại chỉ trích và bày tỏ quan ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích lãnh thổ Syria vì chỉ càng làm gia tăng căng thẳng trên đường biên giới hai nước. Moscow cũng đã kêu gọi họp khẩn hôm 20-2 nhưng cuối cùng HĐBA LHQ không thể thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng hành động quân sự tại Syria.

Cuộc nội chiến ở Syria đã bước vào năm thứ 5 mà chưa có dấu hiệu lắng dịu. LHQ và các cường quốc, trong đó có Nga và Mỹ, đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận hòa bình cho quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, vẫn còn đó quá nhiều mâu thuẫn cần giải quyết. Và hành động không kích mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria được đánh giá như “đổ thêm dầu vào lửa” khi càng làm trầm trọng thêm vấn đề, khuyến khích các thành phần thánh chiến cực đoan chiến đấu ở Syria, khuấy động xung đột giáo phái.

Giới quan sát cho rằng, chính sách Syria của Thổ Nhĩ Kỳ đang dần tiêu diệt vị thế quốc tế của Ankara hơn bất kỳ yếu tố nào khác. Chính sách này đã làm hư hỏng mối quan hệ với các nước thực sự quan trọng đối với Ankara: Iran, Iraq, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), các cộng đồng người Kurd, và tất nhiên là cả Syria. Thay vào đó, Ankara mở ra một liên minh nguy hiểm với Saudi Arabia và tạo ra cuộc đối đầu với Nga, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đã là kẻ thua cuộc.

Khả Anh