Thơ như là sông!

Thứ bảy, 20/01/2018 09:52

1. Trong trái tim mỗi người luôn có một dòng sông. Dòng sông quê hương vẫn chảy tràn cuồn cuộn qua ký ức mặc cho năm tháng đi qua đời người với bao nhiêu nhớ thương day dứt khôn nguôi, nhất là khi ta vì nhiều lẽ  đã phải sớm rời xa sông quê, cuộc sống cuốn ta đi trong cơn lốc chiến tranh và hòa bình, trong yêu thương và căm hận, trong hạnh phúc và trăn trở khổ đau để một ngày tóc bạc, ta lại nhớ về thuở lặn ngụp trong sông, thơ trẻ với dòng sông và cái thời khắc ta mang nguyên vẹn dòng sông xanh biếc quê vào đời...

 

Với nhà thơ Hoàng Thanh Thụy, đó là cuộc trở về:                       

Con sông của hồn tôi

Tôi về soi mái tóc thời gian

lên từng vỏ hàu,vỏ ốc

Lên từng khúc lở bồi

ngày xưa tôi lặn hụp

Thấy mình có lỗi với quê hương

            (Trở về)

Trong cuộc trở về đó, sông đối với anh là một con sông Vu Gia quê hương Đại Lộc rất gắn bó gần gũi, rất cụ thể để anh soi mái tóc thời gian lên từng vỏ hàu,vỏ ốc để anh lặn hụp với bao nhiêu kỷ niệm, là nơi anh lọt lòng mẹ chào đời Lọt lòng mẹ đêm tháng ba/ Đúng năm hạn, làng tôi xơ xác/ Bà mụ già cắt rốn cho tôi bằng lưỡi dao cau/ Bên ngọn đèn dầu heo hắt/ Phút đầu tiên tôi chịu ơn đời (Tuổi thơ tôi), là Nơi bến nước tuổi học trò tôi tắm/ Viên đá cuội tròn, cát mịn bàn chân/ Dòng dộc cãi nhau hoài trong bói rậm/ Vạt cỏ con bò gặm cả hoàng hôn (Sông quê), nhưng đó cũng là sông của hồn anh, trừu tượng và khái quát mênh mông như tất cả những con sông trên mọi niền đất nước mà anh đã đi, đã đến, đã cảm nhận thiết tha:

Nước non đâu chẳng là quê

Sông Hàn, sông Hậu ta về với nhau

   (Đêm Cần Thơ ngẫu hứng)

Sông xuyên suốt từ ngày anh sinh ra, xuyên suốt qua tuổi thơ anh ở làng quê, xuyên suốt qua cuộc đời anh khi anh đã lớn lên, đã từ biệt sông quê ra đi hiến dâng tuổi trẻ cho đất nước:

Tôi sinh ra ở đây ngày nắng rát/Làng xác xơ nửa trận gió Lào qua/Đêm khuya nghe cây trằn mình khát nước/Lời mẹ ru gầy rạc mảnh trăng ngà/Lớn lên tôi ngược dòng nước chảy/Rừng thâm u khe suối ngàn lời/Những chiều nghe sấm rền gió dậy/Lòng cồn cào gởi thương nhớ về xuôi.

(Sông quê)

2. Bên sông, sinh ra tại làng Giảng Hòa có con sông Thu Bồn chảy qua, anh là cháu cụ cố nhà thơ trào phúng Tú Quỳ danh sĩ Đất Quảng nổi tiếng, đã từng đương đầu với gươm đao Hường Hiệu bằng... thơ, anh có một gia đình giàu truyền thống yêu nước đấu tranh cha và em trai là liệt sĩ, mẹ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bốn anh chị em thoát ly tham gia chống Mỹ, cứu nước khi đều còn rất trẻ. Người cha hiền từ, rất yêu văn chương đã thầm lặng truyền tình yêu và cảm hứng thơ ca cho anh: “Cha tôi chính là người bày tôi làm thơ và cũng là người đầu tiên đọc bài thơ đầu tiên của tôi với một cái gật đầu, kèm theo một tiếng “được”,  năm tôi vừa lên 15 tuổi...”, cũng là người dặn dò anh cẩn trọng với thi ca bằng một giọng rất hiền: “Thứ ni nó cũng đa đoan lắm”. Người cha anh đã từ biệt rất sớm khi ra đi mang theo hình ảnh cạnh miệng hầm máy bay/ Cha tôi lui cui bên bếp khói đầy (Mồ côi) để rồi không bao giờ còn gặp lại nữa mãi cho đến ngày thắng lợi anh về đứng lặng bên mộ người nghe nỗi đau buồn ứa máu ngay khi non sông vừa ca khúc khải hoàn:

Mười năm một sớm con về/Con đứng lặng, nghe nỗi buồn ứa máu/Vườn xưa hoang tàn, mộ cha đầy cỏ dại/Mẹ cũng yên bên xứ Ngoại lâu rồi/Con nhìn lên trời nắng gió reo vui/Khắp sông núi tưởng chừng đang ca hát. (Mẹ ơi tháng Tám mùa thu). Bên sông, anh có một người mẹ sớm hôm tần tảo, một đời chỉ biết lo cho chồng cho con như mọi người mẹ hiền lam lũ ở các làng quê Việt Nam mà sự hy sinh trong chiến tranh đã làm nên những huyền thoại Mẹ cho lịch sử nhân loại hiện đại, và cũng là một người mẹ yêu thương rất riêng của anh hiển hiện từ ký ức với những hình ảnh thật ấm lòng: 

Mẹ nằm bên ngạch cửa/Đầu gối lên nùn rơm/Bếp lửa kề bên vẫn đỏ bập bùng/Đầy sân nắng chiều vàng hoe/Lá rơi lả tả quanh hè/Hắt hiu từng cơn gió.

                                            (Thơm suốt đời tôi)

Tôi nghĩ đấy là những hình ảnh giản dị mà ấn tượng, gây xúc động mạnh nhất trong thơ Hoàng Thanh Thụy. Và đây nữa, một tứ thơ lạ và hay về mẹ có sức lay động lòng con biết chừng nào, dù vẫn rất giản dị mà tính khái quát khá cao về người mẹ làng quê Việt Nam: Chiếc nón lá trên đầu bạc thếch/Nhỏ dần theo dáng mẹ mỗi ngày qua. (Con đường mẹ tôi). Chiếc nón lá theo dáng mẹ mỗi ngày mỗi nhỏ, nhưng hình ảnh mẹ ngày càng lớn lao, thiêng liêng trong lòng con, để rồi khi cha mẹ khuất bóng rồi, lòng con chẳng bao giờ nguôi được, Nỗi buồn của một kẻ mồ côi  (Mồ côi)! Thơ Hoàng Thanh Thụy dường như luôn có một giọng đau buồn sâu lắng như vậy khi viết về cha mẹ. Sâu lắng và quặn thắt tê lòng!

Bên sông, anh có tuổi thơ với rất nhiều bè bạn trang lứa thân thiết cùng cởi trần, chơi u, đánh hục (Lâu nay mày ở đâu?) trong Những trưa những sớm hẹn hò/ Đứa kêu trên bãi, đứa chờ dưới sông/ Khoai bùi, bắp dẻo, sắn thơm/ Xoài chua, ổi chát, trái bàng chín tươi  (Lại về Bến Thác). Những người bạn rồi cũng sẽ ra đi, hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, như anh. Những người bạn sẽ để lại trong lòng anh sự thương nhớ khôn xiết trên mọi chặng đường đời chiến đấu công tác của anh; nhất là khi anh phải rơi vào cảnh lao tù bị tra tấn giam giữ ở Non Nước, Hố Nai, Phú Quốc những năm 1968 - 1973:

Đêm nay Phú Quốc trời mưa/Giọt mưa thưa của tiết vừa chớm đông/Phòng giam lạnh, tối mịt mùng/Mà tau lửa đốt trong lòng, Thương ơi.

                                    (Hoài Thương ơi)

Anh viết về bạn, về đồng đội khá nhiều, đau đáu khôn nguôi, dường như đến bây giờ anh vẫn khôn nguôi đau đáu:      

Từng ngày tuổi xanh gởi lại/Những nẻo đường xa lửa cháy/Ăn trong đạn bom, vùi ngủ dưới sao trời/Vuốt mắt đồng đội mình trong ánh chớp cơn mưa/Đêm hải đảo máu tù tuôn đỏ đất. 

  (Phú An)

Viết về đồng đội, về những ngày chiến đấu, những ngày tù ngục, thơ Hoàng Thanh Thụy luôn cất cao tiếng nói hào sảng đầy tinh thần đấu tranh và ăm ắp một niềm tin vào lý tưởng cách mạng như vậy!

Bên sông, ngoài bà con chòm xóm, bạn bè nối khố, anh còn có những mối tình trong vắt như sông, phần nhiều là lặng thầm mà thấm thía ruột gan. Có thể nào không buồn, không xúc động trước những mối tình lặng lẽ đã hóa thành những bài thơ buồn của anh ngày ấy:

Chia tay

Cũng tại ngã tư đường

(Đời nhiều ngã tư đến thế!)

Em vẫn cúi đầu lặng lẽ

Hoàng hôn khép một khung trời

(Lặng lẽ)

3. Đinh ninh ghi khắc lời cha dặn, Hoàng Thanh Thụy luôn cẩn trọng với thơ, với việc làm thơ của mình, dù lúc say đắm không kìm chế nổi, anh lại đến với thơ, bày tỏ gởi gắm tâm sự mình qua thơ. Anh viết về nhiều đề tài, nhiều đối tượng, và có thể thấy đều rất đỗi da diết, dù có khi anh viết như là nói, nói để giãi bày gan ruột chứ không phải cố tình làm thơ, cố tình tìm kiếm tứ thơ gọt giũa câu chữ. Nói một cách ba phải, thì đó chính là mặt mạnh làm nên sự thúc hối đồng cảm của thơ Hoàng Thanh Thụy, mà cũng chính là điểm yếu dễ gây nên sự đơn điệu kể lể hay lặp lại của thơ Hoàng Thanh Thụy! Biết làm sao được, khi con người thi sĩ trong Hoàng Thanh Thụy đã từng bộc lộ cái cảnh mùa Xuân trở về đã khiến anh bật dậy, chưa kịp viết lên câu thơ lệ đã tuôn trào:

Xuân về kia. Cành xanh mầm lại nhú

Tiếng chim ca trong gió sớm trong ngần

Tôi ngồi dậy, lại bàn, cầm bút

Thơ nói gì mà lệ chực trào dâng

(Bài thơ viết trong bệnh viện)

Thôi thì hãy để Hoàng Thanh Thụy trở về với sông, với dòng sông thơ chắc chắn sẽ còn ào ạt cuốn hồn anh trôi theo con nước Thu Bồn con nước Vu Gia trong những tháng năm còn lại của đời mình:

Bến Vân Ly người hỡi có còn không/Hàng phượng thắm vẫy lên trời đuốc lửa/  Áo học trò người đi từ buổi đó/Cây sào con có neo được chút lòng?/Nước đôi dòng họp lại chảy về đông/Sao người họp rồi tan buồn đến thế!/Ai mang đi đâu vầng trăng Giao Thủy/Trăng hạ huyền đêm bến vắng sương giăng...

  (Trở về)

4. Ngày cuối năm, ngồi đọc tập thơ Tôi và sông anh vừa gởi đến Nhà xuất bản Đà Nẵng và ân cần gởi gắm tin cậy nhờ đứa em hậu sinh viết cho lời cảm nhận, đọc một hồi tôi bỗng cất tiếng kêu lên: Hoàng Thanh Thụy – Thơ như là sông.

NGUYỄN KIM HUY

Trên sông Thu Bồn.