Thợ săn cào cào

Thứ tư, 20/04/2022 15:46
Một ngày của ông Trần Đình Chương (54 tuổi, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thường bắt đầu bằng công việc bỏ cào cào cho thương lái ở các quán cà-phê chim. Sau đó ông lại chuẩn bị dụng cụ để đến những bãi cỏ đã được xác định từ trước để vợt cào cào.
Ông Trần Đình Chương là một thợ săn cào cào giỏi tại TP Đà Nẵng.
Ông Trần Đình Chương là một thợ săn cào cào giỏi tại TP Đà Nẵng.

Cách đây 15 năm, ông Chương có sở thích chơi chim cảnh, nên ông thường đi bắt cào cào cho chúng ăn. Đến một thời gian, khi số lượng cào cào ông bắt quá nhiều, mà chim lại ăn không hết nên bạn bè liên hệ hỏi mua số cào cào đó để cung cấp cho một số người nuôi chim cảnh trên địa bàn TP Đà Nẵng. Sau này, khi số người nuôi chim cảnh ngày càng tăng lên, ông Chương nhận thấy khả năng kiếm được tiền từ công việc này nên ông quyết định sắm đồ nghề để đi… săn cào cào.

Theo ông Chương, muốn bắt được cào cào phải đi rất xa để tìm bãi cỏ tốt, có hôm ông ra tận Huế, Quảng Trị hay vào Quảng Ngãi để tìm. Những chuyến đi như vậy ông thường đi về trong ngày để kịp giao cào cào cho khách. “Lúc trước ở Đà Nẵng có rất nhiều người đi bắt cào cào nhưng dần dần họ cũng bỏ nghề vì không đủ sức khỏe, giờ số người còn theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Chương cho biết.

Ông Chương chia sẻ thêm, muốn làm được nghề bắt cào cào thì đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Ngoài ra cần phải khéo léo trong việc di chuyển vợt đúng cách để cào cào lọt hết vào bên trong mà lại không bị chết. Đồ nghề để đi săn cào cào cũng vô cùng đơn giản, chỉ cần một chiếc vợt vải, túi đựng, lồng để nhốt cào cào và một đôi ủng để lội. Điều đặc biệt có một thứ không bao giờ thiếu trong túi đó là kim, chỉ để may vợt khi bị rách. “Quan trọng nhất của nghề săn cào cào chính là kinh nghiệm, phải biết được con cào cào nó thích gì và sống ở đâu để có thể xác định đúng “ổ” của nó, thế mới vợt được nhiều và có con cào cào chất lượng”, ông Chương nói.

Cái nghề tuy vất vả này đã giúp ông Chương có thu nhập ổn định. Những hôm trúng có thể kiếm được hơn triệu đồng, hôm nào ít cũng được khoảng 300.000 - 500.000 đồng. Cào cào sau khi bắt về phải ngồi phân loại ra từng bịch rồi mới bỏ cho mối bán. Mỗi bịch tôi bán với giá 3.000 - 4.000 đồng, một tháng gia đình ông Chương có thể thu được 6.000.000 – 7.000.000 đồng. “Trước đây, người ta thường chê bai nghề bắt cào cào. Nhưng tôi nghĩ nghề nào cũng vậy, miễn là kiếm sống chân chính là làm thôi, đến giờ thì tôi lại sống khỏe với nghề”, ông Chương bày tỏ.

Cái nghề chẳng giống ai này lại là niềm tự hào của ông Chương. Khi chính những con cào cào đó đã giúp ông có một cuộc sống ổn định hơn và làm được một việc có ích khi góp phần bảo vệ cây cối khỏi loài động vật phá hoại này.

Núi Thành