Thơ tuyển Thanh Quế -một chân dung bình dị
(Cadn.com.vn) - Nhà thơ Thanh Quế vừa ra mắt tập “Thơ tuyển” gồm gần 120 thi phẩm, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Trong lời ngỏ, nhà thơ Thanh Quế viết: “Tôi tạm chia làm 3 phần, mỗi phần sắp xếp bài vở trước sau theo nội dung, vấn đề hoặc từng thời kỳ được viết ra. Phần 1 viết về chiến tranh. Phần 2 về quê hương đất nước, gia đình, tình yêu và tuổi thơ. Phần 3 gồm những bài thơ viết trong thời gian gần đây, là những suy nghĩ, cảm xúc của tôi về cuộc sống, nghệ thuật và lẽ sống chết vô thường của đời người...”. Theo tôi, cách phân chia ấy làm gợi nhớ đến các tác phẩm hội họa của Picasso thường được phân loại theo các thời kỳ khác nhau. Cụ thể, thời kỳ đầu sáng tác của Picasso gọi là Thời kỳ Xanh,Thời kỳ Hồng; các giai đoạn sau chia thành: Thời kỳ Ảnh hưởng Phi châu – điêu khắc, Thời kỳ Lập thể phân tích và Thời kỳ Lập thể tổng hợp. Có lẽ từ sự ví von như vậy, để ta dễ dàng hình dung, tổng thể những sắc màu ấy đã khắc họa nên một gương mặt, một chân dung thi sĩ Thanh Quế xương xẩu, khắc khổ, suy tư và cũng rất bình dị, đầy tính nhân văn.
Với Thanh Quế ở thời kỳ 1, dù là phần nói về chiến tranh, nhưng cũng không làm cho người ta quên được những câu thơ nhẹ nhõm, êm đềm: Trước nhà em sông Vu Gia. Sau nhà em cũng lại là dòng sông. Anh đi, đi giữa cánh đồng. Ngóng trông bên nọ ngóng trông bên này…Nơi đó, những phụ nữ, những đứa trẻ ùa ra từ căn hầm tối om dưới lòng đất, có người mẹ gieo thóc “trên mảnh đất đạn bom nồng khét/ Giữa một buổi sớm rất trong/ Mặt trời mới mọc”... Nơi đó, có những đồng chí đồng đội của ông là Hà Xuân Phong, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ... và những thực tế hừng hực sẽ cùng ông theo mãi những năm tháng mai sau. “Tôi thấy những tháng năm đời mình còn lại/ Là những năm tháng vay mượn của các anh/ Những người đã khuất”. Và có lẽ cũng từ nơi ấy, thơ và đời của Thanh Quế gắn liền, máu thịt với đất Quảng yêu thương. Đặc biệt, trong những ngày 30-4 lịch sử này cũng nhắc nhớ chúng ta về một bài thơ của ông viết riêng cho người bạn chiến đấu, đã ngã xuống trong buổi trưa ngày 30-4-1975:
Bao người không quen nhau/Bỗng khoác tay hát giữa lòng đường/Thành phố trào lên như biển/Năm tháng trôi qua những tờ lịch treo tường/Nhưng ánh mắt bạn tôi phút đó/Cứ lặng gửi bao điều thăm thẳm nữa/Trong mỗi ngày đời tôi (Trưa 30-4-1975).
Ở phần 2, tôi thích những bài thơ ông viết các thành phố như Hà Nội, Phan Thiết, Pleiku, Hải Phòng, Tuy Hòa: Con đường nào ngày ấy/ Mình với người song đôi/ Mùa thu trời xanh lắm/ Nắng vàng ơi là vàng. Hoặc những câu thơ trong trẻo dành cho thiếu nhi: Chú đã ngã xuống rồi/ Giữa chiến trường năm ấy/Nhưng bài hát của chú còn vang mãi tháng năm/ Cháu vẫn thường tự hỏi/ Bởi vì đâu chú ơi/ Đời của một bài hát thường dài hơn đời người. Trong phần 2, nhiều câu thơ của Thanh Quế cũng tạo nên xúc cảm cho người đọc khi viết về tình cha con, tình yêu đôi lứa, tình mẹ. Chẳng hạn, thơ ông viết về mẹ: Má ơi, nhiều khi con thấy mình có lỗi/Khi phải sống xa nhà/Mỗi buổi mai ai mua quà sáng/Buổi trưa một mình má trước mâm cơm/Những khuya gió ngoài trời hun hút/Má ho khan, ai đưa bát nước gừng/Con ráo riết chạy theo bao điều vô nghĩa/Những tháng năm đời má cạn dần… (Thưa má của con). Có một lần, trong chuyến đi công tác ngang qua Tuy Hòa, tôi được dịp ghé qua nhà Thanh Quế. Và cái hình ảnh khi ông ôm chầm lấy người mẹ già cô đơn ở chốn quê nhà luôn làm tôi nhớ đến những câu thơ Thanh Quế viết về mẹ mà mình đã từng đọc.
Nhà thơ Ngô Thế Oanh viết: “Cùng với thời gian, thơ Thanh Quế càng về sau càng đạt đến sự cô đọng thấm lòng của một sự chiêm nghiệm sâu sắc... Tất cả mang cái đẹp của sự lắng lại và chiều rộng không chỉ giới hạn trong câu chữ”. Thật vậy, trong phần 3, Thanh Quế giống như một người họa sĩ đã trải nghiệm qua hầu hết các trường phái kinh điển, ông tạo nên những bức tranh lập thể bằng những câu thơ rất ngắn: “Chúng ta/ Ngày càng xa lánh mọi người/ Xa lánh xã hội/ Để ép mình dẹp lại/ Nằm gọn trong ví tiền (Con người đương đại).
Hoặc: “Phẩm chất của nhà thơ/ Được định giá/ Bởi việc lao hay không dám lao/ Vào lưỡi kiếm của ngôn từ” (Phẩm chất của nhà thơ). Đặc biệt, càng về thời gian sau, hầu hết là những sáng tác mới của ông, với đề tài đa dạng, cảm xúc ngồn ngộn, nhưng ngôn từ chắt lọc kỹ càng, sắc sảo và đôi khi đầy tính minh triết: “Ngày ngắn tháng ngắn năm ngắn/ Bao nhiêu dự định ước mơ/ Năm ngắn/ Tháng ngắn/ Ngày ngắn…/ Ngày ngắn…? Mãi đi không đợi không chờ” (Ngày ngắn).
Chúng ta vui mừng nhận ra một Thanh Quế vẫn sáng tạo không ngừng nghỉ, không mệt mỏi với nguồn thi hứng ngày càng trẻ trung.
Trần Trung Sáng