Thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn trắc trở

Thứ sáu, 24/07/2015 07:52

(Cadn.com.vn) - Thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran với P5+1 không chỉ vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ của đảng Cộng hòa, của công chúng Mỹ và thậm chí của cả Lực lượng Vệ binh Iran.

Dân chúng Mỹ biểu tình tại Quảng trường Thời đại ở New York. Ảnh: AP

TẠI MỸ

Tối 22-7, hàng nghìn người biểu tình tập trung ở Quảng trường Thời đại yêu cầu Quốc hội Mỹ bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận do Mỹ đề xuất với Iran mà theo đó Mỹ sẽ đồng ý dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Iran để đổi lấy các biện pháp ngăn chặn Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân. Nguyên Thống đốc New York 3 nhiệm kỳ, ông George Pataki phát biểu tại cuộc biểu tình cho rằng: "Đây là một thỏa thuận kinh hoàng và phải bị loại bỏ. Quốc hội phải làm công việc của mình và bênh vực nhân dân Mỹ, ủng hộ an toàn cho chúng ta và nói không với thỏa thuận này". Jeffrey Wiesenfeld - người đồng tổ chức cuộc biểu tình mang tên "Stop Iran" - khẳng định có 10.000 người tham gia cuộc biểu tình. Những người biểu tình cầm cờ Mỹ và áp phích lên án bản thỏa thuận.

Cùng ngày, nghị sĩ Peter King, cựu Chủ tịch Ủy ban an ninh nội địa thuộc Hạ viện Mỹ, ra tuyên bố cho biết ông đã tham dự cuộc họp bí mật với Ngoại trưởng John Kerry song ông "vẫn tin rằng đây là thỏa thuận tồi đối với Mỹ”.

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner tuyên bố sẽ cùng những nghị sĩ khác thực hiện mọi nỗ lực có thể để ngăn cản việc thông qua thỏa thuận hạt nhân mới đạt được với Iran. Ông Boehner nói: “Các thành viên Quốc hội sẽ đặt ra những câu hỏi khó hơn nhiều khi gặp ê kíp của tổng thống. Chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để ngăn cản thỏa thuận này bởi một thỏa thuận tồi sẽ đe dọa an ninh của người Mỹ”.

Cùng ngày, trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đang ở thăm, Quốc vương Salman của Saudi Arabia đã hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân Iran, song cũng bày tỏ e ngại về việc thỏa thuận này sẽ được triển khai hiệu quả đến đâu. Đáp lại, ông Carter nhấn mạnh “đó cũng là những vấn đề mà chúng tôi biết sẽ nảy sinh” trong quá trình thực thi thỏa thuận.

Trong khi đó, một số nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã yêu cầu chính quyền  Tổng thống Barack Obama cung cấp thêm hồ sơ liên quan tới thỏa thuận được xem là “mang tính lịch sử này”. Đó là hai thỏa thuận ký kết riêng rẽ giữa Iran với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), một phần trong Kế hoạch hành động chung toàn diện là những văn bản mật, không được phép tiết lộ với các nước khác, với Quốc hội Mỹ hoặc với công chúng. Nội dung hai thỏa thuận mật này liên quan tới việc thanh sát cơ sở quân sự Parchin của Iran và cách thức IAEA và Iran tiếp tục giải quyết các vấn đề còn tồn đọng liên quan tới quy mô quân sự của chương trình hạt nhân của Tehran. Hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker và Ben Cardin đã gửi thư riêng cho Ngoại trưởng John Kerry yêu cầu cung cấp thêm văn bản của hai thỏa thuận trên đây. Theo lập luận của các nghị sĩ này, Nhà Trắng sẽ vi phạm luật nếu yêu cầu Quốc hội thông qua một thỏa thuận không được cung cấp đầy đủ hồ sơ và dữ liệu.

TẠI IRAN

Lực lượng Vệ binh Cộng hòa, một lực lượng quân sự và chính trị quyền lực của Iran, đã bắt đầu công kích thỏa thuận đạt được với P5+1, gọi đó là mối đe dọa đối với an ninh của Cộng hòa Hồi giáo.

Điều này buộc Tổng thống Iran Hassan Rouhani phải lên tiếng trấn an. Theo ông Rouhani, thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa đạt được giữa Tehran và các cường quốc "giá trị hơn" cuộc tranh cãi trong nội bộ chính giới nước này về các chi tiết trong thỏa thuận trên. "Hiện họ đang chỉ trích từng điều khoản trong thỏa thuận đạt được tại Vienna và cả Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ. Điều đó cũng tốt, song những gì đang xảy ra còn giá trị và quan trọng hơn", ông Rouhani nhấn mạnh. Theo Tổng thống Rouhani, thỏa thuận hạt nhân đạt được phản ánh ý chí quốc gia và việc ngăn cản thỏa thuận này tức là phớt lờ ý nguyện của người dân khi bỏ phiếu bầu cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2013.

An Bình

Iran lên kế hoạch dự án dầu khí 185 tỷ USD

Iran ngày 23-7 vạch ra kế hoạch xây dựng lại ngành công nghiệp chính của nước này và các mối quan hệ thương mại sau thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới, cho biết đang có mục tiêu phát triển các dự án dầu khí trị giá 185 tỷ USD vào năm 2020.

Reuters dẫn lời bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran Mohammad Reza Nematzadeh cho biết, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ tập trung vào dầu mỏ và khí đốt, kim loại và ngành công nghiệp xe hơi với mục tiêu xuất khẩu sang châu Âu sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, chứ không phải chỉ đơn giản là nhập khẩu công nghệ phương Tây. "Chúng tôi đang tìm kiếm thương mại hai chiều cũng như hợp tác trong phát triển, thiết kế và kỹ thuật", ông Nematzadeh phát biểu tại hội nghị ở Vienna, Áo. Nhiều công ty châu Âu đang tỏ ra quan tâm đến việc tái lập kinh doanh tại Iran. Phó Bộ trưởng dầu mỏ Iran Hossein Zamaninia cho biết Tehran đã xác định gần 50 dự án dầu khí trị giá 185 tỷ USD mà họ hy vọng sẽ ký vào năm 2020.

B.Ngân