GÓP Ý DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI):

Thời điểm thích hợp để đặt ra trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

Thứ tư, 26/08/2015 09:36

(Cadn.com.vn) - Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã thể hiện tầm quan trọng của luật đối với xã hội cũng như phát huy tính dân chủ, trí tuệ tập thể nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Một trong những nội dung trọng tâm được đưa ra để lấy ý kiến nhân dân là vấn đề: “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội phạm pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự”. Báo Công an TP Đà Nẵng xin đăng ý kiến của ông Trần Đình Quảng, Chánh án TAND Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) về vấn đề này.

 

CẦN THIẾT XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN

Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân được đặt ra đã lâu đối với nước ta trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Qua các lần sửa đổi trước đây, nhất là lần sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, các nhà khoa học, các chuyên gia về luật hình sự đã đặt vấn đề xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội danh. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới đối với nước ta, bởi khi đặt ra trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân đòi hỏi phải sửa đổi khá lớn BLHS, nên có ý kiến còn e ngại, chưa có sự thống nhất, vì vậy trách nhiệm hình sự của pháp nhân chưa được pháp luật hình sự nước ta thừa nhận.

 Có thể nói đến nay là thời điểm thích hợp để đặt ra trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Xuất phát từ thực tế tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân ở nước ta thời gian qua, nhất là sau các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có chế tài mạnh hơn so với chế tài của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để răn đe, phòng ngừa các vi phạm pháp luật của pháp nhân gây nguy hại lớn cho xã hội.

Đặt vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân lúc này phù hợp với điều kiện Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương, khu vực và có quan hệ với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới mà ở đó đa số các nước đều quy định tội phạm đối với pháp nhân; nó cũng phù hợp với nghĩa vụ của các quốc gia thành viên như Việt Nam đã tham gia Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng… Quy định mới này cũng góp phần tạo nên sự bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài khi có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại lớn cho xã hội đều được xử lý bằng pháp luật hình sự.

Dự thảo BLHS sửa đổi lần này chỉ đặt ra trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là tổ chức kinh tế, tức là các doanh nghiệp mà không áp dụng với cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là phù hợp. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân được đặt ra song song với trách nhiệm hình sự của cá nhân có liên quan trong quản lý điều hành doanh nghiệp, tổ chức vi phạm pháp luật hình sự. Theo đó, trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thì căn cứ vào các quy định của BLHS về hình phạt áp dụng đối với cá nhân như: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù…

Hình phạt đối với pháp nhân gồm các loại hình phạt như: phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Bên cạnh đó dự thảo BLHS cũng quy định các hình phạt bổ sung đối với pháp nhân gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính. Việc xác định khung hình phạt đối với pháp nhân căn cứ theo khung hình phạt áp dụng đối với cá nhân. Pháp nhân đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện tiếp tục sản xuất, kinh doanh và khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích theo quy định (khoản 7 Điều 3 dự thảo BLHS).

Để không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chúng tôi nhất trí với quan điểm như trong dự thảo là hình phạt chính tước giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động của pháp nhân chỉ áp dụng trong trường hợp pháp nhân phạm tội gây hậu quả hoặc đe dọa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng của nhiều người, đến môi trường và trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra không có khả năng khắc phục trên thực tế; pháp nhân sử dụng giấy phép hoặc đăng ký kinh doanh che đậy bên ngoài để thực hiện hành vi phạm tội là chính.

LOẠI TỘI PHẠM PHÁP NHÂN CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Đặt ra trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân tức là quy định thêm chủ thể của tội phạm bên cạnh chủ thể của pháp luật hình sự Việt Nam lâu nay là cá nhân, từ đó dẫn đến việc sửa đổi rất nhiều nội dung của BLHS. Trong đó, có những vấn đề cơ bản như tội phạm, hình phạt, các nguyên tắc xử lý khi có hành vi phạm tội xảy ra, chưa kể phải sửa đổi một số luật có liên quan. Chúng tôi thấy rằng để các quy định của BLHS đối với pháp nhân được phát huy hiệu quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm đối với các pháp nhân khác thì cần mở rộng các tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tôi thống nhất với dự thảo BLHS là pháp nhân chịu trách nhiệm đối với 32 tội như quy định tại Điều 76, vì đây là các tội phạm về môi trường, tội phạm kinh tế, buôn lậu, gian lận thương mại gây thiệt hại lớn cho xã hội, gây khó khăn trong quản lý nhà nước hoặc các tội liên quan đến hoạt động của thị trường chứng khoán. Đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 220) là rất cần thiết vì thực tế các doanh nghiệp chây ì không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đang rất phổ biến hiện nay, xâm phạm quyền lợi của người lao động, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Đối với tội mua bán người (Điều 149) và tội mua bán trẻ em (Điều 150) xác định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, phù hợp với luật pháp quốc tế về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà Việt Nam đã tham gia.

Trang Trần (ghi)