Thông điệp của ông Macron

Thứ ba, 09/01/2018 09:59

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, “Con đường Tơ lụa” mới không thể là “một chiều” và muốn Trung Quốc và Châu Âu phối hợp trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa, trước) và phu nhân Brigitte Macron
khi đến thăm một ngôi chùa ở thành phố Tây An hôm 8-1.  
   Ảnh: Getty Images

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 8-1 đã đến Tây An, bắt đầu chuyến công du đầu tiên của ông đến Trung Quốc. Ông Macron cũng chính là nhà lãnh đạo Châu Âu đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX vào tháng 10-2017.

Chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Macron đến một quốc gia Châu Á cũng đánh dấu giai đoạn mới cho chính sách ngoại giao của ông, cho đến nay vốn chỉ tập trung vào Châu Âu và Châu Phi. Ông dự định tìm kiếm “đối tác chiến lược” với Bắc Kinh về các vấn đề, bao gồm chống khủng bố. Trong một phiên bản tiếng Pháp của “ngoại giao gấu trúc”, Tổng thống Macron đã mang đến tặng Trung Quốc một con ngựa vằn - một chú ngựa mà Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là rất yêu thích.

Sau Tây An, ông Macron đến Bắc Kinh vào tối 8-1 để hội đàm Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngày 9-1, ông sẽ đến thăm Tử Cấm Thành, gặp các quan chức cao cấp của Trung Quốc và giám sát việc ký kết hợp đồng kinh doanh.

Từ “Con đường tơ lụa” mới…

Chuyến thăm kéo dài 3 ngày của ông Macron có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quan hệ song phương khi phía Trung Quốc đang chờ để nhận được “thông điệp rõ ràng” từ Tổng thống Macron - lãnh đạo mà Bắc Kinh xem là “động cơ” cho sự phát triển ở Châu Âu - về dự án “Con đường Tơ lụa” mới.

Khi phát biểu với các học giả, sinh viên và doanh nhân tại Tây An, một xuất phát điểm ở phía đông của “Con đường tơ lụa” cổ xưa, Tổng thống Macron cho rằng, “Con đường tơ lụa” mới không thể là “một chiều” và muốn Trung Quốc và Châu Âu phối hợp trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh - dự án nhằm xây dựng “Con đường Tơ lụa” đương đại này. “Những con đường này tốt nhất nên được chia sẻ. Nếu là những con đường, chúng không thể mang tính một chiều”, Tổng thống Macron nhấn mạnh bất chấp Châu Âu lên kế hoạch về có một số dự án khổng lồ trong thời gian tới.

Việc Tổng thống Macron bắt đầu chuyến thăm ở Tây An cũng muốn chứng tỏ cử chỉ thiện chí đối với dự án “Con đường tơ lụa” mới quy mô lớn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Được công bố vào năm 2013, dự án “Vành đai và Con đường” nhằm kết nối Trung Quốc bằng đường bộ và đường biển với Đông Nam Á, Pakistan và Trung Á, ngoài ra còn vươn tới Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi.  

…đến biến đổi khí hậu

Tổng thống Macron cũng kêu gọi Châu Âu và Trung Quốc hợp sức trong việc kiềm chế biến đổi khí hậu, trong khi Mỹ có kế hoạch rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

“Số phận của chúng ta có liên quan”, ông nói trong bài phát biểu quan trọng về tương lai quan hệ Trung-Pháp và khẳng định, “Tương lai cần Pháp, Châu Âu và Trung Quốc. Ông Macron cũng nói sẽ đến thăm Trung Quốc “ít nhất mỗi năm một lần”. Về vấn đề biến đổi khí hậu, ông Macron nỗ lực nói chuyện với ông Tập về việc “khởi động lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu” bằng cách chuẩn bị tăng cường các cuộc đối thoại để chống lại sự nóng lên toàn cầu tại Hội nghị LHQ về Biến đổi khí hậu (COP) 24 ở Ba Lan vào cuối năm nay. Ông ca ngợi Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận Paris sau khi Tổng thống Trump thông báo rút khỏi hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu.        

Là quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, nhưng cũng là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào các năng lượng sạch, Trung Quốc hiện đóng vai trò trọng yếu kể từ khi Mỹ rút ra khỏi Hiệp định Paris về khí hậu. Vì vậy, Paris muốn bắt tay Bắc Kinh thúc đẩy thế giới về vấn đề này.

KHẢ ANH