Thông điệp từ vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên

Thứ ba, 31/03/2020 12:20

Báo Lao động, Cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 30-3 đưa tin xác nhận việc Viện Khoa học Quốc phòng nước này ngày 29-3 đã thực hiện vụ phóng thử nghiệm nhằm kiểm tra đặc tính kỹ thuật - chiến thuật của pháo phản lực siêu lớn trước khi bàn giao vũ khí cho các đơn vị quân đội nhân dân nước này. Đây là vụ bắn thử mới nhất trong hàng loạt các vụ phóng vật thể khi mà thế giới đang trong tình trạng báo động cao phòng chống dịch bệnh Covid-19. Vụ phóng mang theo thông điệp ngầm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, rằng Triều Tiên vẫn kiểm soát tốt tình hình và không thay đổi các mục tiêu chiến lược của mình.

Hình ảnh vụ thử vũ khí của Triều Tiên hôm 29-3.   Ảnh: Yonhap

Pháo phản lực siêu lớn

6 giờ sáng 29-3, Triều Tiên phóng hai vũ khí tầm ngắn từ khu vực Wonsan (tỉnh Gangwon) về vùng biển Nhật Bản. Vũ khí bay được quãng đường 230 km, đạt độ cao khoảng 30 km. Hai vũ khí được phóng cách nhau 20 giây.

Báo Lao động đăng 7 bức ảnh, khẳng định, vụ phóng diễn ra thành công, nhưng không có bức ảnh nào lộ diện nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Điều này cho thấy có khả năng cao ông Kim đã không thị sát vụ phóng này. Thay vào đó, tờ báo cho biết Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Ri Pyong-chol, các quan chức Bộ Công nghiệp Quân nhu thuộc đảng Lao động, và các quan chức nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Quốc phòng đã chỉ đạo vụ phóng. Ông Ri Pyong-chol cho biết: “Việc triển khai tác chiến hệ thống vũ khí – bệ phóng rocket đa nòng siêu lớn, là một việc quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc thực thi chiến lược mới của ban trung ương đảng về quốc phòng”. Go Myong-hyun, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chính sách Asan nhận định: “Việc ông Kim Jong-un vắng mặt cho thấy Triều Tiên muốn giảm tầm quan trọng của vụ phóng và nhấn mạnh việc thử nghiệm tên lửa chỉ là một phần của các cuộc diễn tập bình thường”.

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 30-3 cho biết một bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn mà Triều Tiên tuyên bố phóng thử 1 ngày trước đó dường như tương tự hệ thống phóng tên lửa dẫn đường đa nòng cỡ lớn được công bố hồi năm 2019. Người phát ngôn JCS Kim Joon-rak cho hay, quân đội Hàn Quốc đang nghiên cứu kỹ hình ảnh mà đài truyền hình Triều Tiên công bố trước đó về bệ phóng tên lửa đa nòng cỡ lớn được thử nghiệm hôm 29-3 vì hệ thống này nhìn khác với vũ khí cùng tên đang được vận hành của Triều Tiên. Nguồn tin nhận định nó giống với hệ thống phóng tên lửa dẫn đường cỡ lớn được công bố hồi tháng 8-2019 hơn. Một trong những hình ảnh cho thấy một vật thể được phóng đi từ hệ thống với 6 nòng, khác với hệ thống 4 nòng mà Bình Nhưỡng từng tiết lộ trong các vụ thử hệ thống phóng tên lửa đa nòng cỡ lớn.

Quay lại chính sách cũ?

Với vụ phóng thử tên lửa này, Triều Tiên có tổng cộng 6 lần phóng thử các vật thể ra vùng biển Nhật Bản chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng tính từ ngày 1-3. Trong thời gian gần đây, Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự, thường có sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-Un. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây là lần Triều Tiên phóng tên lửa nhiều nhất trong vòng 1 tháng. Vụ phóng mới nhất là vào ngày 21-3, với xác nhận là một vụ thử nghiệm “vũ khí dẫn đường chiến thuật” vừa mới được phát triển.

Thời điểm Triều Tiên ào ạt tiến hành các vụ phóng thử tên lửa cũng chính là thời điểm hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang nỗ lực đối phó với tình trạng lây lan gần như “không thể ngăn cản” của đại dịch Covid-19. Chính phủ các nước quay cuồng giải quyết hàng loạt thách thức nảy sinh trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, tất cả lịch trình về hoạt động đối ngoại gần như bị “đóng băng”. Chỉ riêng Triều Tiên đang muốn chứng minh điều ngược lại bằng vụ phóng hôm 29-3. Có lẽ, việc gia tăng tần số phóng thử tên lửa như một lời khẳng định mạnh mẽ rằng, Triều Tiên không phải đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh như các quốc gia khác, và điều đó giúp cho Bình Nhưỡng kiên định theo đuổi các mục tiêu chiến lược của mình. Không những vậy, việc phóng thử tên lửa vào thời điểm các quốc gia đang dồn mọi nguồn lực vào chống dịch giúp Triều Tiên tránh được phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế.

Đánh  giá về động thái mới nhất này, giới chuyên gia tại Hàn Quốc cho rằng các vụ phóng tên lửa gần đây dường như chủ yếu nhằm tăng cường sức mạnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan của dịch Covid-19 và những khó khăn kinh tế do chế độ trừng phạt quốc tế kéo dài. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, với các cuộc đàm phán bị đình trệ,  hàng loạt các vụ diễn tập quân sự và phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây  cho thấy nước này đang quay trở lại chính sách “cứng rắn”, tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, giống như thời điểm năm 2016-2017. Hàng loạt vụ phóng tên lửa thể hiện quyết tâm của nhà lãnh đạo Triều Tiên tiếp tục tuân theo chính sách đưa ra vào tháng 12-2019 bất chấp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

AN BÌNH