Thông qua Tuyên bố của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017

Thứ bảy, 30/09/2017 07:47

Ngày 29-9, tại TP Huế, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch chương trình Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC, đã kêu gọi các nền kinh tế APEC chú trọng hơn nữa đến đầu tư cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công.

Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế
đã thông qua những khuyến nghị, chính sách quan trọng.

Theo ông Đào Ngọc Dung, đầu tư cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công sẽ làm giảm bớt và tái phân phối các công việc gia đình và việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ.

Chú trọng hơn nữa đến đầu tư dịch vụ công

Phát biểu phiên khai mạc chương trình Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ ra rằng, sau gần 30 năm kể từ khi thành lập đến nay, APEC đã khẳng định vai trò là một cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại lớn nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, APEC cũng khẳng định rằng bình đẳng giới là trung tâm của sự phát triển kinh tế và nguồn nhân lực. Sự hội nhập và nâng cao quyền năng cho phụ nữ đã có tác động mang tính dây chuyền tích cực và quan trọng đối với khu vực. Các báo cáo cho thấy rằng nhiều nền kinh tế APEC đã thành công trong việc giảm đáng kể sự bất bình đẳng về thu nhập và phi thu nhập thông qua việc kết hợp các chính sách tiến bộ về KT-XH. Do đó, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững là xu hướng chung mà các nền kinh tế APEC đã và đang hướng tới.

Họp báo thông tin những kết quả quan trọng tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017
diễn ra tại TT-Huế.

“Dù đã đạt được những thành công nhất định nhưng chúng ta phải thừa nhận một thực tế là còn tồn tại những khác biệt đáng kể trong cơ hội việc làm và thu nhập giữa các nhóm phụ nữ và nam giới. Những khác biệt không chỉ là sự chênh lệch số lượng phụ nữ và nam giới có việc làm, mà còn liên quan đến các hình thức phân biệt nghề nghiệp và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế, đầu tư vào kỹ năng và năng suất cho lao động nữ cần được coi là một trong những ưu tiên của hoạch định chính sách. Phụ nữ chiếm phần lớn trong tổng số lao động không được trả lương ở gia đình, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và tiếp cận rất hạn chế đến các nguồn lực phát triển” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Với tư cách là Chủ tịch đối thoại chính sách cao cấp Phụ nữ và Kinh tế, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung kêu gọi, các nền kinh tế APEC sẽ chú trọng hơn nữa đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công. Bởi điều này sẽ làm giảm bớt và tái phân phối các công việc gia đình và việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ. Những biện pháp này đòi hỏi các chính phủ và các doanh nghiệp phải bổ sung ngân sách đầu tư. Song song với việc đầu tư nguồn tài chính, cũng cần cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho phụ nữ và trẻ em gái.

“Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế trong APEC đang phải đối mặt với kinh tế tăng trưởng chậm lại, do đó việc thúc đẩy các cải cách kinh tế và tiếp tục đảm bảo các tiến bộ về KT-XH là rất cần thiết. Các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững sẽ là chìa khóa để chúng ta thực hiện xóa nghèo, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy phát triển thân thiện với môi trường. Việc này cũng đòi hỏi phải có một nền quản trị quốc gia tốt hơn, có khả năng cung cấp các dịch vụ và phân bổ các nguồn lực một cách công bằng”- ông Đào Ngọc Dung khẳng định.

Cuối giờ chiều cùng ngày, BTC Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 đã tổ chức họp báo để thông tin một số kết quả quan trọng. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan chủ trì buổi họp báo. Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 diễn ra trong 4 ngày (26 – 29-9)  với sự tham gia của khoảng 700 đại biểu đến từ 19/21 nền kinh tế APEC, bao gồm các Bộ trưởng/Trưởng đoàn, lãnh đạo các cơ quan chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tổng giám đốc điều hành các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài khu vực, các chuyên gia, học giả và các lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. Các đại biểu đã làm việc rất khẩn trương, tích cực và hiệu quả với 3 sự kiện chính thức gồm: Hội nghị Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế (PPWE) lần thứ 2; Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC (PPDWE); Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế (Hội nghị Bộ trưởng). Bên lề Diễn đàn là 7 sự kiện do các nền kinh tế thành viên và các cơ quan, tổ chức của Việt Nam đồng tổ chức.

Nhiều khuyến nghị đáng chú ý

Tại buổi họp báo, BTC đã thông báo các kết quả chính, nổi bật của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017. Thứ nhất là Tuyên bố của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 được thông qua với những khuyến nghị chính sách quan trọng cho 21 nền kinh tế APEC về 3 nội dung ưu tiên lớn của năm 2017: Thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực. Tuyên bố nhận được sự đồng thuận và thống nhất cao của tất cả các Bộ trưởng/Trưởng đoàn. Bản Tuyên bố này sẽ được trình lên các Nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11-2017 tại TP Đà Nẵng.

Thứ hai là Văn kiện “Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC”– sáng kiến của Việt Nam – được thông qua và nhất trí đưa vào triển khai thực hiện. Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn khẳng định đây là công cụ quan trọng để thực hiện các chương trình và chính sách bình đẳng giới tại APEC. Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn cũng cam kết sẽ phối hợp với các Diễn đàn khác trong APEC để thúc đẩy việc thực hiện lồng ghép giới của các nhà hoạch định chính sách và những người thực hiện ở tất cả các cấp.

Thứ ba là diễn đàn cũng thông qua các Tiêu chí và Hướng dẫn tiếp cận Quỹ về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC. Quỹ Phụ nữ và Kinh tế sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2018, hứa hẹn sẽ mang đến cơ hội và nguồn lực nhiều hơn cho các nền kinh tế thực hiện các dự án, sáng kiến thúc đẩy quyền năng của phụ nữ.

H.LAN