Thông tấn xã giải phóng: Xứng danh anh hùng (Bài 3: Xung kích trên mặt trận thông tin)

Thứ tư, 14/10/2020 09:20

Suốt 15 năm hoạt động trong điều kiện chiến tranh chống Mỹ ác liệt (1960-1975), TTXGP đã đi từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh, luôn duy trì "mạch máu" thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam. Tin, ảnh của TTXGP từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn- Gia Định, Huế, Đà Nẵng... đều luôn nóng hổi tính thời sự, không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí trong, ngoài nước mà còn giúp T.Ư Cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định có tính chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường.

Giải phóng Quảng Nam (ảnh TTXGP).

Không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên TTXGP. Có thể nói, ở đâu có trận đánh là ở đó có TTXGP: những vụ thảm sát ở Phú Lợi (Bình Dương), Chợ Được, H. Thăng Bình; Vĩnh Trinh, H. Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam); phong trào Đồng Khởi; tấm gương kiên trung của Trần Thị Lý, vụ giết hại ông Hoàng Lê Kha trong chiến dịch tố cộng, diệt cộng của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, cái chết bất tử của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi; chiến thắng Ấp Bắc (Tiền Giang), Núi Thành (tỉnh Quảng Nam); phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở các đô thị miền Nam, nổi bật là tin Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu; cuộc đảo chính quân đội Sài Gòn lật đổ Ngô Đình Diệm (1963); quân dân miền Nam đánh bại Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" (1961-1965); mặt trận Ấp Bắc (tỉnh Mỹ Tho, nay là Tiền Giang), trận thắng lớn đầu tiên của quân giải phóng miền Nam, đánh dấu sự thất bại của Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ; chiến thắng Bình Giã, Phước Tuy (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu) (12-1964)...

Ngày 30-11-1963, khi quân đội Sài Gòn, với sự hậu thuẫn của Mỹ, làm đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, Phòng Tin miền Nam đã biên soạn bản Tin nhanh phục vụ Trung ương. Cùng các bản tin khác, bản Tin nhanh đã góp phần cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho các đồng chí lãnh đạo.

Năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển chiến lược Chiến tranh đặc biệt sang chiến lược Chiến tranh cục bộ với sự tham chiến trực tiếp của quân Mỹ tăng cường càn quét đánh phá vùng căn cứ; đồng loạt mở các chiến dịch quy mô lớn, ác liệt nhằm tìm diệt lực lượng quân giải phóng, quyết tâm bình định miền Nam. Trong Chiến dịch mùa khô lần thứ nhất (1965-1966), TTXGP cử phóng viên đi các chiến dịch Cần Đâm, Cần Lê, Đường 13, đưa tin nhanh chóng về diễn biến trên các chiến trường, nhiều khi tin của TTXGP đưa trước cả tin của các hãng phương Tây... Cũng trong năm 1965, khi Mỹ trực tiếp đưa quân vào chiến trường miền Nam, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành một trong những chiến trường chống Mỹ ác liệt nhất. Những tên đất, tên làng vùng chiến khu xưa như: Đồi tranh Dốc Nón, Nước Oa, cầu Chìm, làng Hồi, sông Trà Nô, cầu bà Huỳnh, làng ông Tía, Tiên- Cẩm-Hà (Quảng Nam); Trà Bồng, Sơn Tây (Quảng Ngãi)... đã đi vào lịch sử. Các trận đánh thắng lớn như Ba Gia - Vạn Tường; Hòn Chiêng, Cấm Dơi, Nông Sơn, Trung Phước, Thượng Đức, Bồ Bồ, đặc biệt là chiến thắng Chu Lai, Núi Thành - trận đầu thắng Mỹ, đều được các phóng viên TTXGP Trung Trung Bộ đưa tin ảnh kịp thời chuyển về Tổng xã, cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước để thông báo cho nhân dân cả nước và thế giới rằng "Việt Nam dám đánh Mỹ và trận đầu tiên đã thắng Mỹ". 

Qua những đợt tham gia chiến dịch, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khen ngợi TTXGP đưa tin "kịp thời, chính xác, góp phần vào chiến thắng". Đồng chí còn trực tiếp chỉ đạo thông tin và duyệt tin, bài của phóng viên.

Trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 lịch sử, phóng viên TTXGP có mặt khắp từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau. Đích thân Giám đốc TTXGP Võ Nhân Lý (Vũ Linh) dẫn đầu một lực lượng đông đảo phóng viên tin, ảnh, điện báo viên, kỹ thuật viên đột nhập vào Sài Gòn theo các cánh quân của quân giải phóng đưa tin, ảnh đều về căn cứ để phát ra Hà Nội. Phóng viên TTXGP có mặt trong 25 ngày đêm quân dân ta làm chủ TP Huế, chuyển nhiều tin, bài, ảnh ra VNTTX ở Hà Nội để phát cho các báo đài trong nước và quốc tế sử dụng. Tháng 6-1969, khi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, TTXGP là cơ quan đầu tiên phát tin ảnh về sự kiện lịch sử này cùng với các văn kiện của Chính phủ, làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Cùng với VNTTX, TTXGP là đơn vị chủ lực thông tin về hoạt động của hai phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với phái đoàn Mỹ và chính quyền Sài Gòn tại Hội nghị Paris về Việt Nam, từ giữa năm 1969 đến ngày 27-1-1973, khi bốn bên ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Phóng viên TTXGP bên cạnh phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia các cuộc gặp gỡ báo chí để nói lên sự chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình Pháp và thế giới với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, phóng viên TTXGP cũng có mặt tại Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất để thông tin về hoạt động của Ban liên hợp quân sự bốn bên, chứng kiến, ghi lại hình ảnh và thông tin sự kiện lịch sử Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ cuốn cờ và những người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam chiều 29-3-1973, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Các phóng viên TTXGP đã có mặt và chứng kiến những giờ phút chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân dân Trị Thiên-Huế, Đông Nam Bộ trong chiến dịch xuân hè 1972, cũng như những trận đánh địch phản kích năm 1973-1974 trong các chiến dịch đường 13, Tống Lê Chân, Nguyễn Huệ... Ở Tây Nguyên năm 1972, phóng viên TTXGP có mặt tại các mặt trận Kon Tum, Pleiku.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, TTXGP tung ra hai cánh quân lớn cùng với một số phóng viên VNTTX bám sát các đơn vị chủ lực, thông tin nhanh về các trận đánh, về tình hình chiến trường, về các bước tiến quân như vũ bão của bộ đội, tiếp quản các vùng giải phóng... Lực lượng được tổ chức thành từng nhóm có đủ phóng viên tin, phóng viên ảnh, kỹ thuật viên, điện báo viên để làm tin, phát tin kịp thời mọi lúc, mọi nơi. Nhờ vậy, phóng viên TTXGP là những nhà báo đầu tiên có mặt tại các "địa điểm đánh dấu mốc" ghi lại thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 ở các địa phương.

Lực lượng phóng viên tin, ảnh của VNTTX và TTXGP luôn có mặt ở tuyến đầu của công tác thông tin, góp phần phản ánh kịp thời một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những thông tin kịp thời, nhạy bén được TTXGP phát đi đã tạo dư luận đồng tình trong nước và quốc tế. Cùng với cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên mặt trận quân sự, ngoại giao..., thông tin của TTXGP đã góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân 1975.

(còn nữa)

Ngô Anh Văn

(Sưu tầm và biên soạn theo tư liệu của TTXVN)