Kỷ niệm 59 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12-10-1960 - 12-10-2019):

Thông tấn xã Giải phóng - Xung kích trên mặt trận thông tin

Thứ bảy, 12/10/2019 10:18

Trong suốt 15 năm chống Mỹ ác liệt (1960-1975), Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) phải thay đổi căn cứ hàng chục lần, tuy nhiên nhiệm vụ duy trì "mạch máu" thông tin, xung kích có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam. Tin, ảnh của TTXGP từ Cà Mau đến Quảng Trị, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn - Gia Định... luôn nóng hổi tính thời sự; không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước mà còn là nguồn tin tham khảo có giá trị phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở các chiến trường. 

Các phóng viên TTXGP trên đường đi tác nghiệp.

Có thể nói, ở đâu có trận đánh là ở đó TTXGP có mặt. Nổi bật như tin, ảnh đậm tính thời sự về thành tích quân dân ta Bẻ gãy kế hoạch Staley-Taylor, chiến thắng lớn Ấp Bắc (1963) và chiến công vang dội trận Bình Giã (1964). Tình hình chiến sự và những thắng lợi dồn dập trên chiến trường trong các đợt phản công chiến lược mùa khô của Mỹ-ngụy lần 1 (1965-1966); Phản công chiến lược mùa khô lần 2 (1966-1967) và đặc biệt là cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) đánh vào Sài Gòn và các đô thị khắp các tỉnh miền Nam. Thông tin ở miền Nam về Chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" với cuộc tiến công chiến lược 1972 (Chiến dịch Nguyễn Huệ) quân ta phối hợp 3 hướng chiến lược: Đông Nam Bộ, Trị Thiên và Tây Nguyên, về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của dân tộc do TTXGP thực hiện đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi trên chiến trường và trên các bàn đàm phán. Hình ảnh phóng viên TTXGP tác nghiệp trong mưa bom, lửa đạn trên chiến trường để có ngay những dòng tin nóng, những bức ảnh còn nhuốm mùi thuốc súng không còn xa lạ với những người tham gia các trận đánh cũng như các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước. 

Trong Chiến dịch mùa khô lần thứ nhất (1965-1966), TTXGP cử phóng viên đi các chiến dịch Cần Đâm, Cần Lê, Đường 13, đưa tin nhanh chóng về diễn biến trên các chiến trường; nhiều khi đưa trước cả tin của các hãng phương Tây. Trong chiến dịch mùa khô lần thứ hai (1966-1967), phóng viên TTXGP bám sát các đơn vị chủ lực của ta, đưa tin nhanh chóng, kịp thời về cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở các chiến trường Đông Nam Bộ như các chiến dịch Attleboro, Gátxđơn, Cedar Falls.

Năm 1965, khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào chiến trường miền Nam, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành một trong những tuyến đầu chống Mỹ ác liệt nhất. Những tên đất, tên làng vùng chiến khu xưa, như: Đồi tranh dốc Nón, Nước Oa, cầu Chìm, làng Hồi, sông Trà Nô, cầu bà Huỳnh, Tiên - Cẩm - Hà (Quảng Nam); Trà Bồng (Quảng Ngãi)... đã đi vào lịch sử. Các trận đánh thắng lớn như Ba Gia - Vạn Tường; Hòn Chiêng, Cấm Dơi, Nông Sơn, Trung Phước, Thượng Đức, Bồ Bồ, đặc biệt là chiến thắng Chu Lai, Núi Thành - trận đầu thắng Mỹ, đều được các phóng viên TTXGP Trung Trung Bộ phản ánh kịp thời chuyển về Tổng xã cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước đăng tải chứng minh với nhân dân cả nước và thế giới rằng "Việt Nam dám đánh Mỹ và trận đầu thắng Mỹ".

Từ ngày 2-2 đến 15-3-1967, quân Mỹ mở chiến dịch càn quét lớn nhất ở miền Nam mang tên Junction City, với 45.000 quân, hàng ngàn xe tăng, đủ loại pháo hiện đại cùng các loại máy bay phản lực, trực thăng, có sự hỗ trợ của "pháo đài bay" B.52, hòng triệt phá các cơ quan đầu não của Trung ương Cục miền Nam. Trước sự giáng trả quyết liệt của quân giải phóng, địch đã phải rút lui sau 13 ngày đêm càn quét, bỏ lại chiến trường nhiều xác xe tăng, pháo và máy bay. TTXGP đã cử một tổ gồm ba phóng viên tin và một phóng viên ảnh cùng tổ điện báo đi theo các mũi tiến quân của Quân Giải phóng, kịp thời đưa tin thắng trận của quân và dân ta. Trong chiến dịch này, tổ điện báo 15 lần bị địch đánh bom, đồng chí Ngọc Đặng đã anh dũng hy sinh sau khi bắn cháy một xe bọc thép của Mỹ.

Qua những đợt tham gia chiến dịch, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khen ngợi TTXGP đưa tin "kịp thời, chính xác, góp phần vào chiến thắng". Đồng chí còn trực tiếp chỉ đạo đưa tin, bài và duyệt tin, bài của phóng viên. Trong cuốn hồi ký "Nơi ấy tôi đã sống" của đồng chí Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, khi còn ở quân đội là Chỉ huy trưởng trận Núi Thành - trận đầu thắng Mỹ ngày 26-5-1965 đã dành 2 trang 111 và 112 nói về việc thực hiện nghiệp vụ của phóng viên TTXGP như sau: "...Sau trận đánh tôi nhận được điện về Khu báo cáo tình hình. Vừa đến cơ quan Quân khu đóng ở Nước Trắng, Trà My, anh Hai Mạnh (đồng chí Chu Huy Mân) hồi đó là Tư lệnh Quân khu V cho gọi chúng tôi gặp ngay. Anh Hai ân cần mời chúng tôi uống trà rồi vui vui nói: Các ông giỏi lắm, chúc mừng các ông. Nhưng mình lại nhận được điện khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trước khi báo cáo của các ông điện về Quân khu... Sự kỳ lạ là Trung ương Cục lại nhanh chóng nhận được tin trận đánh Núi Thành trước cả Quân khu. Sau này mới biết vì có một đồng chí phóng viên TTXGP đi theo trận đánh đã điện vào Trung ương Cục bài tường thuật về trận đánh...".

Tháng 6-1967, Thường vụ Trung ương Cục yêu cầu vừa đẩy mạnh tiến công địch trong mùa mưa, vừa tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền vận động quần chúng làm cho nhân dân miền Nam nhận rõ thắng lợi to lớn của ta, thế thất bại, suy yếu của địch, kiên quyết thực hiện ba mũi giáp công, đập tan thế hai gọng kìm của địch. Đặc biệt, Trung ương Cục yêu cầu TTXGP và các cơ quan thông tin cần hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động để thực sự trở thành nhân tố thúc đẩy kháng chiến, đánh bại các kế hoạch và biện pháp chiến tranh tâm lý của địch, phát động quần chúng thừa thắng xông lên quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ và tay sai, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Sau trận càn Junction City, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn liên tục mở nhiều cuộc tấn công nhằm phá hủy căn cứ của Trung ương Cục miền Nam. TTXGP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao dù hai lần phải tạm lánh sang đất Campuchia do sự càn quét điên cuồng của địch.

(còn nữa)

NGÔ ANH VĂN

(Bài viết sử dụng nguồn tư liệu của TTXVN)