Thông tin mới nhất vụ 3 cây “khủng” lưu thông trên QL1: Cơ quan CA vào cuộc, kiểm lâm áp lực lo sợ cây chết
Lãnh đạo CA tỉnh TT-Huế cho biết, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc xác minh nguồn gốc 3 cây “khủng” lưu thông trên QL1A, Bộ CA đã chỉ đạo CA tỉnh này vào cuộc. Xét thẩm quyền sự việc, CA tỉnh TT-Huế đã giao cho CATX Hương Thủy điều tra bước đầu.
3 cây khủng sau 6 ngày phơi nắng vẫn tiếp tục được tạm giữ ở một bãi đất trống trên tuyến đường tránh QL1A TP Huế. |
3 cây “khủng” được mua với giá 49 triệu đồng
Đến chiều 6-4, cơ quan điều tra CATX Hương Thủy đã hoàn tất việc lấy lời khai đối với những người liên quan đến cây “khủng” gồm: chủ doanh nghiệp vận tải là Cty TNHH Cơ khí Hải Sơn đóng tại Quảng Bình, chủ 3 cây “khủng” ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, trú X.Tiến Xuân, H.Thạch Thất, TP Hà Nội) và các tài xế vận chuyển. Một nguồn tin riêng của Báo Công an TP Đà Nẵng cho biết, đã lấy lời khai đối với ông Kiều Văn Chương-chủ nhân của 3 cây “khủng” khi được xe vận chuyển lưu thông trên QL1A và khi đến địa phận TT-Huế thì bị Trạm CSGT Phú Lộc thuộc Phòng CSGT CA tỉnh TT-Huế phát hiện, lập biên bản và xử phạt hơn 81 triệu đồng. Tại cơ quan CA, ông Chương khai nhận, qua một người quen giới thiệu, đầu tháng 3-2018, ông đi vào tỉnh Đắc Lắc và đến 2 xã: Ea Pil, Ea Hồ (H.MĐrắk, Đắc Lắc) nơi có 3 cây đa sộp nằm trong đất nông nghiệp của người dân. Sau khi thống nhất giá cả của 3 cây với số tiền lần lượt là: 20 triệu đồng, 15 triệu đồng và 14 triệu đồng (tổng 3 cây là 49 triệu đồng); các hộ dân sở hữu cây “khủng” bán cho ông Chương làm đơn xin ủy ban xã khai thác và được đồng ý. Tiếp đó, ông Chương bỏ tiền thuê khai thác với tiền công 7 triệu đồng/cây chưa tính tiền xe múc đào cây (khoảng vài triệu đồng/cây). Tiếp đó, ông Chương hợp đồng thuê Cty TNHH cơ khí Hải Sơn (đóng tại Quảng Bình) vận chuyển từ Đắc Lắc ra H.Thạch Thất, TP.Hà Nội với giá 35 triệu đồng/cây.
Khi được hỏi, vì sao trên đường chạy từ Đắc Lắc ra đến TT-Huế nhưng không gặp lực lượng nào cản trở, nguồn tin riêng cho biết, các tài xế trên 3 xe chở cây “khủng” khai rằng, biết xe chở cây quá khổ nên để tránh sự phát hiện của cơ quan CA, các lái xe chỉ vận chuyển cây “khủng” vào ban đêm. Đồng thời, trên đường vận chuyển cây từ Đắc Lắc ra Huế, các lái xe thường “nháy” đèn để hỏi các xe đi ngược chiều ở phía trước có lực lượng CSGT hay không. Nếu các xe chạy ngược chiều ra tín hiệu báo là phía trước có lực lượng CSGT thì các xe này dừng lại để né tránh và nếu không có CSGT thì tiếp tục lưu thông. Vì vậy, từ điểm xuất phát là tỉnh Đắc Lắc cho đến khi bị bắt giữ tại Trạm CSGT Phú Lộc (TT-Huế), các tài xế này không hề gặp bất kỳ chốt CSGT nào. Theo lời khai của chủ nhân 3 cây đa sộp này, người này làm nghề mua bán cây cảnh nên đã mua số cây “khủng” này đưa về Hà Nội để bán lại. Theo một số người chơi cây cảnh, hiện thị trường Hà Nội rất ưa chuộng loại cây đa sộp, bởi cây có lá màu đỏ, hình dáng rất đẹp.
Đối với 2 cây đa sộp được khai thác ở X. Ea Hồ mà trong đơn xin khai thác, vận chuyển 2 cây đa sộp do bà HPhi La Niê, Phó Chủ tịch UBND X. Ea Hồ, ký xác nhận vào ngày 23-3. Ngày 5-4, bà HPhi La Niê khẳng định bà không hề xác nhận vào đơn xin khai thác và vận chuyển 2 cây đa nêu trên vào ngày 23-3. Trao đổi về một số thông tin cho rằng, 2 hồ sơ cây “khủng” này nghi bị làm giả, nguồn tin cho biết, về việc này, trách nhiệm thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế. Được biết, hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế đang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc tiếp tục xác minh tại địa phương nơi các hộ dân khai thác các cây này rồi bán cho ông Chương.
Áp lực vì lo sợ cây “khủng” chết
Theo ghi nhận của P.V, đến chiều 6-4, toàn bộ 3 cây “khủng” vẫn đang bị tạm giữ tại một bãi đất trống dọc QL 1A tránh TP Huế, thuộc P. Phú Bài (TX Hương Thủy, TT-Huế). Theo ghi nhận của P.V, dù sau 6 ngày phơi nắng nhưng do được tưới nước đều đặn hàng ngày và được bao bọc kỹ bằng vải nên các cây đủ độ ẩm, từ rễ cây cho đến vỏ cây chưa có dấu hiệu nào bất thường. Các nhánh lá còn sót lại trên cây vẫn còn xanh tươi. Theo một số chuyên gia thực vật học tại Trường Đại học Nông lâm Huế, việc tưới nước cho các cây trên là cần thiết nhưng chỉ nên tưới vừa phải. Bởi lẽ, nếu tưới nước quá nhiều sẽ khiến các cây bị úng khiến vỏ cây và rễ cây dễ bị thối mục. Các chuyên gia này cho rằng, nếu cây không được trồng thì việc tưới nước chỉ có tác dụng trong thời gian nhất định bởi để cây như hiện tại trong thời gian dài thì cây sẽ bị chết, hư hỏng. Theo luật, nếu xảy ra tình trạng cây bị chết, hư hỏng thì cơ quan ra quyết định tạm giữ cây phải có trách nhiệm bồi thường.
Khi PV đặt vấn đề về sức khỏe của 3 cây “khủng”, ông Đặng Văn Kiệm, Trưởng phòng Thanh tra- pháp chế Chi cục Kiểm lâm TT-Huế thừa nhận, nếu không được chăm sóc kỹ thì các cây này sẽ bị chết. Ông Kiệm nói rằng, bản thân ông bị áp lực vì sợ nếu xử lý chậm sẽ khiến các cây chết. Theo ông Kiệm, nếu các cây trên thuộc sở hữu của tổ chức thì việc làm rõ các vấn đề về hồ sơ cây sẽ nhanh hơn. Nói về “số phận” các cây “khủng” đang nằm trên đường tránh TP.Huế những ngày qua, Thượng tá Võ Hồng Quang, Trưởng Phòng CSGT CA tỉnh TT-Huế cho rằng, phương án xử lý của cơ quan chức năng sẽ tùy thuộc vào cây có đầy đủ giấy tờ, nằm trong quy định cấm hay không. Nếu thỏa mãn các điều kiện trên, doanh nghiệp phải dùng xe siêu trường siêu trọng và có đầy đủ giấy phép mới chở cây “khủng” đi được.
H.LAN