Thông tin mới về 2 đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Tập đoàn FLC

Thứ năm, 29/02/2024 07:00
Như thông tin đã đưa, từ ngày 5-3 đến ngày 29-4-2024, TAND TPHCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đối với 86 bị cáo về nhiều tội danh khác nhau. Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị xét xử về các tội: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Lực lượng chức năng khám xét, thu giữ tài liệu tại trụ sở FLC.
Bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm

Theo cáo trạng, hành vi của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm bị đánh giá là có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, từ 1-1-2012 đến 31-12-2017, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau; đến ngày 17-10-2022 còn dư nợ 132.247 tỷ đồng (không có khả năng thu hồi), gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 64.621 tỷ đồng. Từ 9-2-2018 đến 7-10-2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền 129.372 tỷ đồng...

Trong các tội danh bị truy tố, đối với tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, bị can Trương Mỹ Lan bị truy tố theo quy định tại BLHS 1999 với khung hình phạt từ 10-20 năm tù. Vậy tại sao bị can Trương Mỹ Lan không bị truy tố theo BLHS 2015 với khung hình phạt từ 12-20 năm tù?

Như cáo trạng đã nêu, hành vi sai phạm của bị can Trương Mỹ Lan diễn ra trong thời gian dài, trước khi BLHS 2015 có hiệu lực thi hành nên cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng BLHS 1999 thay vì BLHS 2015 dựa trên nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội. Theo quy định hiện hành, hành vi phạm tội xảy ra vào thời điểm nào thì sẽ áp dụng văn bản pháp luật vào thời điểm đó.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 41/2017/QH14, kể từ 1-1-2018, tất cả các điều khoản của BLHS 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 00 giờ 00 phút ngày 1-1-2018, có xem xét đến nguyên tắc có lợi cho các bị can. BLHS 1999 có hiệu lực pháp luật đến hết 31-12-2017. Bởi vậy, trường hợp hành vi vi phạm pháp luật được xác định trong khoảng thời gian có hiệu lực của văn bản pháp luật này thì sẽ áp dụng BLHS 1999 để giải quyết.

Lực lượng chức năng khám xét, thu giữ tài liệu tại trụ sở FLC.

Một quân nhân giúp cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lừa đảo

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa đề nghị truy tố bị can Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) cùng 50 bị can khác trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC. Theo đó, bị can Trịnh Văn Quyết cùng 2 em ruột là Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và 5 người khác bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố về tội: “Thao túng chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 13 bị can bị đề nghị truy tố về tội: “Thao túng thị trường chứng khoán”, 22 bị can bị đề nghị truy tố về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 7 bị can bị đề nghị truy tố về tội: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hoặc “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Trong vụ án, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng và thao túng chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 700 tỷ đồng. Điều đáng nói, cơ quan điều tra xác định có một quân nhân liên quan. Cụ thể, ông Trần Văn Toản (giảng viên thuộc Học viện Quốc phòng, Bộ Quốc phòng), bị xác định là một trong những đối tượng có "hành vi giúp sức cho Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngày 19-2-2024, Cơ quan điều tra Bộ Công an quyết định tách hành vi và tài liệu trong vụ án này, chuyển cho Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng giải quyết theo thẩm quyền.

Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án, Công an còn nhận được đơn của 685 nhà đầu tư tố cáo bị can Quyết và đồng phạm có hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đồng thời đề nghị được bồi thường thiệt hại với 6 mã chứng khoán nhóm FLC. Những đơn này đã được Cơ quan điều tra phân loại để giải quyết. Kết quả xác định các nhà đầu tư mua cổ phiếu AMD, ART, HAI, GAB, FLC, không có căn cứ để xem xét giải quyết do không có căn cứ xác định thiệt hại của hành vi thao túng thị trường chứng khoán do cựu Chủ tịch FLC và đồng phạm gây ra đối với 5 mã cổ phiếu này theo kết luận giám định của Bộ Tài chính. Đối với các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS, cơ quan điều tra xác định nhóm này là bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Faros của bị can Quyết. Đối với 126 đơn của các cá nhân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của các pháp nhân Tập đoàn FLC, Công ty CP FLC Quy Nhơn Golf & Resort, bị can Trịnh Văn Quyết; cơ quan điều tra đã phân loại, chuyển cơ quan điều tra các địa phương để giải quyết theo thẩm quyền.

ANTD – TTXVN