Thu bộn tiền từ mít “khổng lồ”

Thứ năm, 17/06/2021 18:00

Mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất vườn sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, ông Nguyễn Thành Hạt (59 tuổi, trú xã Đại Hưng, H.Đại Lộc, Quảng Nam) đã mang lại thu nhập cao và giàu lên nhờ trồng loại cây ăn quả “dễ tính” này.

 

Ông Hạt kể, trước đây đời sống gặp nhiều khó khăn vì cả gia đình chỉ sống dựa vào mấy sào ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ. Sau nhiều năm tìm kiếm mô hình với vốn đầu tư ít để thoát nghèo, năm 2004, khi biết đến mô hình trồng cây ăn quả trong miền Nam, ông bắt đầu xây dựng và cải tạo đất trồng cây ăn quả, trong đó có trồng mít “khổng lồ”.

Lúc đầu, vợ chồng ông dồn tiền mua một số giống cây quýt về trồng thử, sau 3 năm cây cho trái bói, từ năm thứ tư thì cây bắt đầu cho năng suất tốt. Thế nhưng tuổi thọ cây quýt thường chỉ trong vòng 6 năm. Thấy không ổn định, ông chuyển đổi sang mô hình trồng cây mít, lúc đầu trồng cây cũng nhiều lần thất bại vì lũ lụt, cây đang sai quả thì bị úng nước rụng gần hết, rồi việc bón phân không đúng kỹ thuật khiến cây thối rễ,... Không nản chí, ông Hạt quyết định tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, và sau khi đã hiểu rõ về kỹ thuật chọn lọc giống, chăm sóc, ông áp dụng trồng thử. Cây mít phát triển tốt, đạt năng suất cao và tuổi thọ cho trái từ 15-20 năm, nên ông tiếp tục mở rộng vườn và chọn cây mít làm cây chủ lực để phát triển kinh tế.

Trên diện tích 5.500m2, ông Hạt trồng khoảng 250 cây mít Thái siêu sớm và mít Viên Linh cùng với các loại cây ăn quả khác như sapoche, vú sữa Lò Rèn, cam Vinh... Đối với mít Thái siêu sớm thì sau 20 tháng cây đã cho quả, mỗi năm có thể thu hoạch được 2 vụ, ước lượng từ 6-7 tấn mít/năm. Còn với mít Viên Linh, trồng đến năm thứ 3 thì cây cho quả và có thể thu hoạch. Mỗi năm, vườn cây ăn quả của gia đình ông Hạt cho thu nhập hơn 700 triệu đồng. Trung bình mỗi cây mít cho khoảng 15 trái, mỗi trái nặng từ 10-12kg, mỗi kg có giá ổn định 20.000 đồng/kg. Đặc biệt khi mít ra trái mùa thì giá thu mua có khi lên đến 25.000 đồng/kg.

Nói về giống mít đang trồng, ông Hạt nhận định, vườn mít của mình đang phát triển rất tốt, cây mít trong giai đoạn thu hoạch, năng suất trái ước đạt khá cao. Ông Hạt nói về kỹ thuật chăm sóc cũng như quy trình “tuyển chọn” trái mít để nuôi dưỡng: “Giai đoạn cây cho trái, đến khi trái lớn, cần thăm vườn mít thường xuyên. Trước là để phòng ngừa sâu bệnh, sau là để cắt bỏ bớt những trái xấu, giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi những trái được chọn để khi thu hoạch những trái này đạt chất lượng cao”.

Những quả mít “khổng lồ” mang lại thu nhập lớn cho ông Hạt.

Nếu xét về kỹ thuật canh tác, trồng mít cho thu nhập cao nhờ chi phí thấp, sử dụng ít phân bón, thuốc trừ sâu và công chăm sóc đơn giản hơn nhiều loại cây trồng khác. Sau mỗi lần thu hoạch trái, người trồng sẽ cắt bỏ bớt cành thừa để cây mít nhận đủ ánh sáng, từ đó sẽ giúp trái to hơn. “Mít Thái là cây dễ trồng, ít sâu bệnh. Giống mít này có ưu điểm là rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây. Nếu chăm sóc tốt, mít Thái sẽ cho quả quanh năm, hầu như thời điểm nào vườn nhà tôi cũng có mít. Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu của thị trường đối với mít tăng cao, nên khâu tiêu thụ sản phẩm rất dễ dàng, thương lái đến tận nơi để thu mua”, ông Hạt phấn khởi cho biết.

Vườn cây ăn trái của ông Hạt cũng tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Hạt còn vận động thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Thái Sơn gồm 7 thành viên, với tổng diện tích hơn 10ha. Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất cây ăn quả tại địa phương. Ông Hà Xuân Minh, chủ tịch UBND xã Đại Hưng (H. Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết: “Chính quyền địa phương đã và đang tích cực vận động người dân nỗ lực cải tạo vườn để trồng cây ăn quả, tiếp tục nhân rộng diện tích để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây”.

Thùy Dương