Thủ đoạn rút tiền Nhà nước của kế toán Trường THPT Nguyễn Thái Bình

Thứ bảy, 07/11/2015 09:20

(Cadn.com.vn) - Những ngày qua dư luận tại H. Thăng Bình (Quảng Nam) rộ lên thông tin về việc bà Nguyễn Thị Duyên (1965, trú xã Bình Đào, H. Thăng Bình), kế toán Trường THPT Nguyễn Thái Bình tham ô hơn 350 triệu đồng của Nhà nước. Tuy nhiên, bằng thủ đoạn nào để bà Duyên chiếm đoạt số tiền lớn như vậy vẫn là những lời đồn đoán...

Theo tìm hiểu của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, bà Duyên làm kế toán tại Trường cấp 2-3 Bình Đào (nay là Trường THPT Nguyễn Thái Bình) từ năm 1999 đến nay. Thời gian gần đây, gia đình bà Duyên có những biểu hiện giàu lên bất thường, như: mua đất, làm nhà, mua ô-tô... trị giá hàng tỷ đồng. Việc mua sắm những tài sản có giá trị vượt quá nguồn thu nhập của một kế toán có thu nhập không quá 9 triệu đồng/tháng đã tạo ra những dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, giáo viên. Để làm rõ những thông tin trên, tháng 7-2015 lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Thái Bình giao nhiệm vụ cho Ban Thanh tra nhân dân tổ chức kiểm tra hồ sơ kế toán năm học 2014-2015.

Qua kiểm tra, phát hiện trong năm học 2014-2015, lợi dụng sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra trong việc lập hồ sơ kế toán của lãnh đạo, bà Duyên có hành vi gian dối trong việc lập chứng từ chi trả lương, mua sắm trang thiết bị... chiếm đoạt số tiền 352 triệu đồng. Thủ đoạn của bà Duyên như sau: Trong năm học 2014-2015 tại Trường THPT Nguyễn Thái Bình có 10 giáo viên nghỉ chế độ thai sản, theo quy định, chế độ lương giáo viên nghỉ thai sản được Bảo hiểm xã hội chi trả và người nghỉ không được hưởng các chế độ, như: phụ cấp đứng lớp, độc hại... Để chiếm đoạt tiền, ngoài việc lập danh sách người nghỉ thai sản theo đúng quy định, bà Duyên còn lập một danh sách lương khác có đầy đủ các chế độ phụ cấp để ông Lâm Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, ký duyệt. Sau khi làm thủ tục với Kho bạc Nhà nước H. Thăng Bình, bà Duyên làm thủ tục chi trả cho người hưởng lương đúng với chế độ bảo hiểm chi trả và chiếm đoạt số tiền chênh lệch. Với thủ đoạn này, bà kế toán Trường THPT Nguyễn Thái Bình đã "bỏ túi" gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Duyên còn giả chữ ký của chủ tài khoản duyệt chi các chứng từ mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học của nhà trường. Cụ thể, kê khống việc mua sắm giấy, mực in, sửa chữa máy vi tính... để chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Duyên.

Một thủ đoạn khác không kém phần tinh vi được bà kế toán Trường THPT Nguyễn Thái Bình thực hiện là việc lập danh sách giáo viên, CBCNV hưởng chế độ ưu đãi ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116, ngày 24-12-2010 của Chính phủ. Theo đó, người công tác từ 5 năm trở lên được hưởng phụ cấp 50% mức lương tối thiểu. Thế nhưng, khi lập danh sách và được lãnh đạo duyệt chi trả nhưng bà Duyên cố tình không chuyển cho 13 giáo viên, nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền gần 20 triệu đồng. Ngoài việc lập chứng từ giả, gian dối khi lập bảng lương..., bà kế toán Trường THPT Nguyễn Thái Bình còn sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi để thực hiện hành vi tham ô tài sản.

Để chuẩn bị cho quá trình "rút ruột" tiền của Nhà nước, từ năm 2011, bà Nguyễn Thị Duyên đã nhờ một người quen đứng tên mở tài khoản tại ngân hàng. Và, khi thực hiện các "thao tác" qua mặt lãnh đạo nhà trường, kho bạc, toàn bộ số tiền chiếm dụng được bà Duyên chuyển vào tài khoản này để chiếm đoạt. Ngoài ra, bà kế toán này còn thực hiện những "thao tác" tưởng chừng như đơn giản để qua mặt mọi người, như: giả vờ chuyển nhầm lương cho giáo viên và yêu cầu người nhận trả lại hoặc mượn bằng tiền mặt nhưng khi trả lại chuyển qua tài khoản...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong những năm học trước đó, bà Duyên còn lập chứng từ khống việc mua sắm trang thiết bị và giả chữ ký của ông Nguyễn Văn Liễn, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình từ năm 2011 đến tháng 8-2014 để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Phạm Văn Bảy, Viện trưởng VKSND H. Thăng Bình cho biết: Cơ quan điều tra CAH Thăng Bình quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Duyên về hành vi tham ô tài sản. Tuy nhiên, xét về tính chất, mức độ của vụ án thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nên CAH Thăng Bình đã chuyển hồ sơ cho CQĐT tỉnh Quảng Nam tiến hành điều tra theo thẩm quyền. Sau khi vụ việc bị phát hiện, bị can đã nộp 177 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả gây ra.

Qua vụ án trên, mong rằng lãnh đạo các trường cần tăng cường sự kiểm tra, giám sát hơn nữa nhằm tránh việc kế toán lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện hành vi tham ô tài sản và làm ảnh hưởng xấu đến môi trường dạy và học của giáo viên, học sinh.

M.T