Thử giải nghĩa tồn nghi về địa danh Madagui/Mađaguôih

Thứ hai, 18/07/2022 15:24
Ở Lâm Đồng, cụ thể tại huyện Đạ Huoai, có một địa danh mà xưa nay vẫn tồn tại 2 cách gọi, kể cả trong các văn bản hành chính, là Madagui và Mađaguôih, làm cho nhiều người thật sự lúng túng, không biết nên viết Madagui hay Mađaguôih mới đúng quy chuẩn.
Chỉ 1 địa danh mà tồn tại 2 cách gọi.
Chỉ 1 địa danh mà tồn tại 2 cách gọi.

Tôi đem thắc mắc này ra hỏi các ngành hữu trách địa phương thì phần lớn đều nhận được câu trả lời: "Thì trước nay nó vẫn vậy!". Chính vì sự mập mờ, chưa thống nhất về mặt văn bản, là cái cớ rủ rê dân gian thêu dệt, tô vẽ rồi nghiễm nhiên khoác cho Madagui/Mađaguôih hết ý này lại đến nghĩa nọ. Tính võ đoán chủ quan thể hiện ngay trong cách lý giải về địa danh Madagui/Mađaguôih. Qua ghi nhận, địa danh trên hiện có 3 cách giải thích, dĩ nhiên có những tương đồng, cũng như những dị biệt song hành. Cách giải thích thứ nhất: Madagui vốn là từ địa phương, cụ thể là tiếng của người Mạ, một tộc dân bản địa Tây Nguyên. Madagui được người Pháp phiên âm theo mẫu tự Latinh thành Mađaguôil. Từ "guôil" là biến âm của chữ "gold" trong tiếng Anh. Chiết tự ra thì Ma là người Mạ, Da = Đạ nghĩa là nước, còn Gui = gold là vàng. Madagui có nghĩa là dòng sông vàng của người Mạ.

Cùng một ý đó, nhưng ở cách lý giải thứ hai, nghĩa chiết tự đã nhường chỗ cho màu sắc huyền sử. Tác giả L.Đ cho rằng, Ma tức người Mạ, Da có nghĩa là nước, Gui là chỗ dừng chân (nếu là chỗ dừng chân thì phải viết là rờlô dơng mới đúng - T.C). Madagui là vùng đất có sông suối, nơi người Mạ chọn làm nơi dừng chân để sinh sống. Từ đây, tác giả đã đi xa hơn cái ý nghĩa thông thường của câu chữ. "Theo truyền thuyết (không biết tác giả trích dẫn cứ liệu ở đâu? - T.C), thuở xa xưa, trong một đợt hạn hán kéo dài, khắp bon làng người Mạ, trẻ em khóc hét suốt ngày vì khát. Giữa bối cảnh ấy, có một phụ nữ sinh con, nhưng không có sữa cho con bú. Người chồng phải vào rừng tìm trái cây cho vợ con ăn. Chàng vượt qua 3 ngọn núi, 7 cánh rừng. Chàng đi, đi mãi. Một buổi sáng, khi mặt trời vừa nhô cao, chàng phát hiện có tổ ong, bèn giương cung bắn. Mũi tên vừa trúng đích, lập tức một dòng nước bắn thẳng về phía chàng. Chàng hốt hoảng vội bỏ chạy, tức thì dòng nước đuổi theo. Chàng chạy đến đâu, nước theo đến đó. Kiệt sức, chàng gục xuống tại một cánh rừng và thiếp đi, dòng nước cũng dừng lại và lan rộng thành một vũng nước sâu. Nhờ dòng nước này mà bon làng được cứu sống và tồn tại cho đến ngày nay".

Na ná cách giải thích này, tác giả T.N.T, người có nhiều năm lăn lộn trong vùng người dân tộc thiểu số Mạ và K'Ho, lý giải về địa danh Madagui như sau: Ma là do người Việt nói trại chữ Mạ mà thành. Da hay còn gọi là Đạ, có nghĩa là nước, suối, sông. Chữ Gui thì tác giả bảo chưa biết nghĩa. Tuy vậy, tác giả T.N.T vẫn cắt nghĩa từ Madagui là "Dòng sông dừng chân của người Mạ".

Tôi buộc lòng phải dẫn giải dài dòng như vậy để thấy rằng, dân gian vốn dĩ rầy rà, cộng thêm thói suy diễn lung tung, từ chữ Madagui/Mađaguôih, người ta có thể dịch, nào là: "Dòng sông vàng của người Mạ", "Madagui là vùng đất có sông suối, nơi người Mạ chọn làm nơi dừng chân để sinh sống", rồi thì "Dòng sông dừng chân của người Mạ", hoàn toàn xa lạ và trái ngược với cách cảm, cách nghĩ đậm tính trực giác giản đơn của cư dân Mạ.

Ông Ndong Brừm, cư trú tại thị trấn Di Linh, H. Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: "Trong vốn từ của người Mạ, chữ Madagui/Mađaguôih hoàn toàn không có. Do vậy, nếu có viết Madagui hay Mađaguôih thì cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Thế mà nhiều người lại bạo gan tự suy diễn rồi dịch Madagui/Mađaguôih thành này thành kia. Vả lại, xưa nay, không ai đi tách riêng từng chữ, rồi dịch nghĩa từng từ một bao giờ (trừ trường hợp chiết tự trong Hán ngữ - T.C).

Theo ông Ndong Brừm, Madagui/Mađaguôih là cách gọi của người Kinh, người dân tộc thiểu số (kòn cau) không ai gọi thế cả! Người Mạ ở đấy tự gọi mình là Mà-Dà-Guôih (đọc là Mạ-Thạ-Guôih) để phân biệt với người Mạ ở những vùng đất khác, như: Mà B'Lao, Mà Dà Teh, Mà Dà Bin, Mà M'rông Srê Kăng... (trong tiếng Mạ, khi chuyển sang Việt ngữ, dấu "huyền" đọc gần như dấu "nặng", chữ "D" đọc như chữ "Th", còn chữ "H" dù đứng ở đầu câu hay cuối câu đều là âm câm - T.C). Mà-Dà-Guôih có nghĩa là người Mạ ở Thạ Guôih.

Cũng theo ông Ndong Brừm, trong quá trình cộng cư với người Việt, chữ Mà biến thành chữ Mạ, Dà thành Đạ (trường hợp Dà Làc thành Đà Lạt và Dà Teh thành Đạ Tẻh) còn có thể chấp nhận được. Chứ như việc tự suy diễn rồi dịch như đã nêu ở trên, thì đấy là cách của người Kinh tự nói với nhau để nghe cho nó... oách. Bà Ka Triều, ở xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, bảo: "Chả cứ gì người Mạ, nhiều dân tộc trên thế giới cũng thường lấy địa danh nơi mình sinh sống, để làm "thẻ căn cước công dân". Ví như, anh ở Đà Lạt, tôi ở Di Linh (từ gốc là N'jrềng, sau đó người Pháp phiên âm thành Djring, rồi ra Di Linh trong Việt ngữ), rộng ra nữa thì chị nọ đến từ Mỹ (công dân Mỹ), anh kia tới từ Trung Hoa hay Nhật Bản... Mà-Dà-Guôih (người Mạ ở Thạ Guôih) cũng một lẽ ấy!".

Chưa chắc chắn cắt nghĩa của ông Ndong Brừm và bà Ka Triều đã đúng?.Nhưng xét theo phương pháp nghiên cứu dân tộc học, nghĩa là tôn trọng tiếng nói của chủ thể văn hóa, ở đây là người bản địa, cũng đủ thấy sự khúc triết và tính hợp lý về mặt ngữ nghĩa trong cách giải thích chữ Mà-Dà-Guôih của ông Ndong Brừm và của bà Ka Triều. Ký ức dân tộc là những gì còn lại sau tất cả. Thêm nữa, nếu chưa tin, xin hãy khoác ba lô rồi lên đường đến các bon của người Mạ, người K'Ho và đem theo Madagui/Mađaguôi ra hỏi, chắc chắn từ già đến trẻ, từ gái đến trai... sẽ lắc đầu: "Ơ git!" (không biết). Còn nếu đem Mà-Dà-Guôih ra để hỏi, mọi người sẽ bảo: "À! Nó là cái người Mạ ở Thạ Guôih ấy mà!". Ký ức dân tộc lúc này đã trở thành căn tính dân tộc.

B.T