Thu hút FDI vẫn tăng 4,4% trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp

Thứ bảy, 25/09/2021 11:47

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, tính đến ngày 20-9 vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì mức tăng và tăng mạnh hơn so với 8 tháng. Trong khi đó, góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, vốn đăng ký mới có 1.212 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giảm 37,8% với tổng vốn đăng ký đạt gần 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh có 678 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư giảm 15% với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ. Góp vốn, mua cổ phần có 2.830 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 45,3%, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,2 tỷ USD, giảm 43,8% so với cùng kỳ.

Cũng trong 9 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài giảm 3,5% so với cùng kỳ và giảm 5,5 điểm phần trăm so với 8 tháng đầu năm. Cục Đầu tư nước ngoài cho biết đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tiếp tục có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp; trong đó, có các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực phía Nam. Trước sự sụt giảm đáng kể số lượng dự án cấp mới và điều chỉnh vốn của các dự án FDI, Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài chỉ ra một số nguyên nhân là do việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Không những thế, do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất nên nhiều đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác. Cùng với đó, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam (giảm số lượng, tăng về chất lượng) làm loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trong 9 tháng, song mức độ tăng giảm nhẹ so với 8 tháng. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt gần 178 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,8% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt trên 176,8 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ, chiếm 73,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

9 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 11,8 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong 9 tháng, đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 7,2% so với cùng kỳ 2020. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; trong đó, có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD, chiếm tới 85,3% tổng vốn đầu tư của Long An.

T.H