Thử nghiệm ca Huế thính phòng

Thứ sáu, 30/08/2013 11:12

(Cadn.com.vn) - Tối 20-8 vừa qua tại Bảo tàng Văn hóa Huế (23-25 Lê Lợi, TP Huế) đã diễn ra đêm diễn thử nghiệm chương trình ca Huế thính phòng. Nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Hội LHVHNT TT-Huế, dẫn chương trình đêm diễn cho biết: "Việc diễn ca Huế thính phòng trong một không gian phù hợp như thế này là ước mơ từ rất lâu của CLB Ca Huế và những ai thực sự yêu ca Huế. Tại đây, những bài bản lớn của ca Huế như Nam ai, Nam bình, Phú lục... sẽ được trình diễn một cách chuyên nghiệp và có chất lượng cao bởi các nghệ nhân đàn và những nghệ nhân ca Huế lớn tuổi không còn phục vụ du lịch nhưng vẫn thừa khả năng ca những làn điệu ca Huế cổ và khó".

Theo nhà thơ Võ Quê, sau 30 năm thành lập và phát triển đến nay CLB Ca Huế có hơn 60 thành viên, trong đó có nhiều danh cầm như Lê Văn Cần (đàn tỳ bà), Nguyễn Văn Tân (đàn nhị), NSƯT Thái Hùng (đàn nguyệt), Châu Thới (đàn tranh) và các ca sĩ tên tuổi  như Minh Tâm, Thanh Tâm, Kim Thành, Quỳnh Hoa, Minh Mẫn, Thanh Hương, Diệu Liên... CLB Ca Huế không những biểu diễn phục vụ công chúng tại địa phương mà còn lưu diễn các địa phương cả nước, nước ngoài... Việc đưa ca Huế xuống sông Hương biểu diễn cũng là ý tưởng của CLB Ca Huế vào giữa những năm 1980. Song đáng tiếc là hiện nay hiện trạng ca Huế trên sông Hương đã có những dấu hiệu bị "thương mại hóa" trong bối cảnh nền kinh tế thị trường.

Bên cạnh biểu diễn ca Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế còn trưng bày những bức ảnh về lịch sử của ca Huế như "Ban nhạc đồng ấu triều Nguyễn", "Ban nhạc Đại Nội triều Nguyễn", "Ban nhạc cổ truyền ca Huế tại Sài Gòn"; chân dung các nghệ nhân đã cống hiến lớn lao cho ca Huế như Trần Kích, Trần Hữu Ba, Minh Mẫn, Thanh Hương, Nguyễn Cẩn, Tôn Thất Toàn, cô Nhơn...; các nhạc cụ ca Huế từng được các nghệ nhân sử dụng biểu diễn và sách vở tư liệu viết về ca Huế.

Nhà thơ Võ Quê giới thiệu tiết mục ca Huế tại đêm diễn.

Nhận xét về đêm diễn, nghệ nhân Kim Kiều, đoàn Nhà hát Ca kịch Huế cho biết: "Giữa Sông Hương khi nghe ca Huế sẽ khó thẩm thấu nhưng đối tượng và không gian như thế này rất phù hợp. Việc ca Huế có tồn tại hay không là phụ thuộc vào những mô hình như thế này chứ không phải là mô hình ca Huế trên sông Hương với nội dung chủ yếu là tân nhạc". Nghệ nhân Thanh Tâm, giảng viên lớp Tài năng Học viện âm nhạc Huế nhận xét thêm: "Khách xem ca Huế trên sông Hương chủ yếu là khách vãng lai và thường là giới trẻ. Họ thưởng thức ca Huế như một món "mì ăn liền". Thực tế những người biểu diễn ca Huế trên sông Hương hiện nay đều đào tạo ở trường lớp nhưng phần lớn không ai đạt tới được trình độ như ngày xưa".

Nhà thơ Võ Quê cũng cho biết thêm: "Ý tưởng về những đêm diễn ca Huế thính phòng có bài bản về đội ngũ lẫn không gian biểu diễn như tối hôm nay thực ra đã được CLB Ca Huế nghĩ ra từ lâu. Nhờ sự hỗ trợ của Thành ủy Huế, UBND TP Huế và Bảo tàng Văn hóa Huế nên ước mơ này mới được thực hiện. Tiếp theo đêm diễn thử nghiệm này, từ tháng 9 năm nay sẽ phục vụ ca Huế thính phòng 2 đêm một tuần vào các ngày thứ 3 và thứ 6. Đây là mô hình mẫu để ca Huế tồn tại một cách đúng nghĩa và các nghệ nhân lớn tuổi vẫn muốn cống hiến cho ca Huế có thể đến để biểu diễn và phát huy tài năng". Bảo tàng Văn hóa Huế cũng cho biết mục đích việc thử nghiệm ca Huế thính phòng và tổ chức các đêm diễn về sau là nhằm đưa ca Huế trở lại sinh hoạt truyền thống, đồng thời tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ có tâm huyết, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ca Huế có cơ hội bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của Huế, đồng thời tạo ra một điểm nhấn từng bước mời gọi khách đến với Bảo tàng.

Văn Toàn - Văn Cương