Thu nhập mới đáp ứng 70% nhu cầu sống tối thiểu của công nhân
(Cadn.com.vn) - Ngày 12-1, tại Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Đà Nẵng, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, dù đã có thay đổi tích cực trong những năm qua nhưng tại Đà Nẵng cũng như trên phạm vi cả nước nói chung, vẫn còn một bộ phận rất lớn công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, tổ chức công đoàn phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Ông Trần Thanh Hải trao Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng cho 22 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào lao động giỏi và xây dựng công đoàn vững mạnh. |
Có cải thiện nhưng còn thiếu thốn
Theo ông Nguyễn Đức Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Đà Nẵng, trong năm 2016, việc thành phố cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tăng 32,9% đã giải quyết việc làm mới cho 32 nghìn lượt lao động. Sau khi Nghị định 122/2015/NĐ-CP về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và Nghị định 47/2016/NĐ-CP về điều chỉnh mức lương cơ sở được triển khai thực hiện, thu nhập của đoàn viên, người lao động đã được cải thiện. Hiện tại thu nhập bình quân của lực lượng này tại Đà Nẵng vào khoảng 4-5 triệu đồng. Trong năm, LĐLĐ thành phố đã kiến nghị và được UBND thành phố đồng ý cấp đất để kêu gọi đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn phục vụ nhu cầu người lao động tại các khu công nghiệp, chế xuất. Thành phố cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng khu ký túc xá sinh viên phía Tây thành nhà ở công nhân. Cũng theo ông Thanh, ngoài hỗ trợ sửa chữa và xây mới 57 “Mái ấm công đoàn” trị giá gần 1,3 tỷ đồng, LĐLĐ cũng đã thành lập Quỹ trợ vốn trị giá 10 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vay vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho công nhân viên chức, lao động nghèo. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 622/778 doanh nghiệp, đơn vị có công đoàn cơ sở thực hiện thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Tại nhiều đơn vị, văn bản này đều hướng tới những điều khoản ngày càng hài hòa về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng dành cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Mặc dù vậy, lãnh đạo LĐLĐ cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, so với yêu cầu thực tiễn thì những thay đổi về đời sống vật chất, tinh thần cho 133.196 công nhân viên chức, lao động (trong đó có 120.035 đoàn viên công đoàn) trong những năm qua là còn khiêm tốn. Đánh giá của Liên đoàn cho rằng, tiền lương, thu nhập mức 4-5 triệu đồng/tháng mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Số lượng thiết chế văn hóa ít ỏi, hoạt động thiếu đột phá, thiếu hấp dẫn đã chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tối thiểu của công nhân. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của các tổ chức công đoàn, hiện nay có 20% doanh nghiệp có mức ăn ca dành cho công nhân với giá trị từ 15 nghìn đồng trở lên, 70% có mức ăn ca giá trị 15 nghìn và còn 10% doanh nghiệp có bữa ăn ca cho công nhân dưới 15 nghìn.
Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo các cấp công đoàn |
Phải có nghĩa vụ hơn nữa với người lao động
Tại Hội nghị, ông Phạm Quý, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng đánh giá, với lực lượng đông đảo, đội ngũ công nhân viên chức lao động tại các cơ quan, đơn vị, các khu công nghiệp đã có đóng góp rất lớn vào sự phát triển KT-XH của thành phố. Trong triển khai đề án thực hiện chương trình “4 an”, thành phố luôn lấy con người làm trọng tâm phục vụ, và dĩ nhiên công nhân lao động xứng đáng được quan tâm nhiều hơn nữa. Chính vì vậy, các cấp công đoàn phải tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động để chăm lo từng nhu cầu cụ thể, thiết thực của họ như chất lượng bữa ăn, nhà ở, việc làm, cuộc sống gia đình và hưởng thụ các giá trị tinh thần cơ bản.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng, dù làm ra nhiều của cải cho xã hội nhưng một bộ phận rất lớn công nhân hiện vẫn đang có cuộc sống hết sức khó khăn. Trách nhiệm của cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn là phải chăm lo tốt hơn nữa để giảm bớt những khó khăn đó. “Có đoàn phí công đoàn do chính người lao động đóng góp thì chúng ta mới có lương, mới có việc làm. Chúng ta phải có nghĩa vụ hơn nữa, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”, ông Hải nhấn mạnh. Năm 2017, Tổng Liên đoàn xác định là “Năm vì lợi ích của đoàn viên”, cho nên các cấp công đoàn phải có ý thức đúng mực về nghĩa vụ của mình đối với đoàn viên và người lao động, có đủ dũng khí và năng lực am tường pháp luật để vươn lên đảm nhận nhiệm vụ trong tình hình mới. Trước mắt, ông Hải chỉ đạo LĐLĐ TP Đà Nẵng không để công nhân thiếu thốn, khó khăn ngay trong dịp Tết cổ truyền Đinh Dậu. Chuyện lương thưởng của công nhân Đà Nẵng cơ bản có khá hơn nhưng cũng sẽ có một bộ phận người lao động nhận được rất ít so với mặt bằng chung. Các cấp công đoàn phải tìm hiểu nguyên nhân là vì họ mới vào làm việc hay vì doanh nghiệp gặp khó khăn để có thể kịp thời huy động nguồn lực hỗ trợ. “Tết Đinh Dậu phải đến với tất cả người lao động. Công nhân tại chỗ cũng như ở tỉnh xa cũng phải được đảm bảo đầy đủ những quyền lợi của mình. Quan trọng hơn nữa là ngay sau Tết, quan hệ lao động phải ổn định, hài hòa”, ông Hải nhấn mạnh.
Công Khanh