Thư pháp chữ Việt: "không phải là nghệ thuật"

Thứ sáu, 23/11/2007 00:00

(Cadn.com.vn) - Gần đây, trên báo mạng xuất hiện một số ý kiến của các nhà ngôn ngữ học, nhà văn về việc có một số người tự xưng là “nhà thư pháp chữ Việt” đang “bôi bẩn” chữ Quốc ngữ. Những ý kiến này khiến nhiều người lưu tâm và cho rằng đã đến lúc lên tiếng để giữ  gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

 “Thư pháp chữ Việt” xuất hiện từ nhiều năm nay ở nước ta, các “nhà thư pháp Việt” viết loằng ngoằng, méo mó bằng bút lông, mực Tàu những bài thơ, câu thơ, những châm ngôn, tục ngữ Việt mà mình yêu thích lên giấy hồng điều, giấy rô-ky khổ lớn, rồi tặng nhau. Trong các dịp Festival Huế từ năm 2000 đến nay, các “nhà thư pháp” đều mở những gian trưng bày thư pháp Việt, rồi ngồi viết “thư pháp Việt” trên giấy, trên gỗ, trên gốm... tặng khách tham quan.

Ở ngay Quốc Tử Giám (Hà Nội), nơi văn hóa tôn nghiêm nhất của đất nước, người ta cũng mở các quầy bán thư pháp chữ Việt cho du khách. Nghĩa là “thư pháp chữ Việt” cũng có người ngộ nhận nên vẫn có nhu cầu, đã đến lúc cần  làm sáng tỏ.

Từ lâu, các học giả, các nhà văn, giáo sư ngôn ngữ có danh ở nước ta không ai công nhận “thư pháp chữ Việt” là một nghệ thuật. Có lần ở Huế, người ta tổ chức cuộc triển lãm “thư pháp thơ Bùi Giáng”. Tôi và cố nhà thơ Thái Ngọc San đến xem. Anh Thái Ngọc San đố tôi đọc những câu thơ Bùi Giáng đóng khung sơn son thếp vàng  treo trên tường, nhưng tôi không sao đọc được hết câu thơ.  Cuối cùng phải lấy  cuốn Thơ Bùi Giáng ra tra, mới biết đó là câu thơ nào.

Tôi nghĩ, linh hồn thơ Việt ở trong từng con chữ mà ký tự la-tinh Alexandre De Rhodes đã sáng tạo ra hàng trăm năm nay, chứ không ở cách viết nhòe nhoẹt giun quằn như vậy. Tôi cho rằng kiểu viết chữ Việt như vậy là phản văn hóa, là phản ngôn ngữ. Theo tôi hiểu, thư pháp là môn nghệ thuật viết chữ Hán bằng bút lông, với các kiểu chữ Chân, Thảo, Triện, Lệ truyền thống do các nhà thư pháp Trung Hoa sáng tạo ra từ hàng ngàn năm nay. Cái gốc của thư pháp là chữ tượng hình, viết bằng bộ, bằng nét theo quy định chặt chẽ trong một khung chữ.

Mỗi chữ Hán như một bức tranh họa hình (họa trong chữ). Viết thư pháp chữ Hán là “nhà thư pháp” phát hiện ra bức tranh đó theo tâm thức của mình bằng những nét bút có thần. Thư pháp là nghệ thuật tạo hình chữ. Mỗi “họa sĩ” ấy mang lại cho thư pháp chữ Hán một cách nói mới, làm giàu thêm cho chữ Hán. Vì thế chỉ có loại chữ tượng hình như chữ Hán (chữ Nhật, Hàn Quốc, chữ Nôm) mới sản sinh ra nghệ thuật thư pháp, còn tất cả các loại chữ khác trên thế giới đều không thể thư pháp được.

Nhà thơ Hải Trung là một nhà thư pháp chữ Hán có tiếng ở Huế. Hải Trung chỉ viết thư pháp chữ Hán, không bao giờ “thư pháp chữ Việt”. Anh cho rằng, chữ Việt là chữ la-tinh, mỗi ký-tự mang nghĩa nhờ âm của ngôn ngữ. Mỗi âm chữ xác định nội dung nghĩa cụ thể, không hề mang tính tạo hình, nên không thể thể hiện bằng lối “thư pháp” được. Cái gọi là “Thư pháp tiếng Việt” sẽ làm méo mó, lệch âm chữ Việt. Đó là sự “bắt chước” vô lối. Viết chữ Việt phải viết chân phương, nền nã, chữ ra chữ, dấu ra dấu.

Trộm nghĩ, có lẽ các “nhà thư pháp chữ Việt” chắc cũng do thú chơi, viết bay bướm chữ Việt  rồi nhầm lẫn gọi  thư pháp. Chơi viết chữ kiểu cách thì ai chơi cũng được. Nhưng gọi là thư pháp thì nhất quyết không phải. Và mà viết chữ Việt đến mức không đọc được thì phải lên án, phải chấn chỉnh. Có nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục nên có quy  định về quản lý cách viết chữ Việt.

Chúng tôi nghĩ rằng, chữ Việt là tài sản vô giá của dân tộc, chúng ta không thể để cho ai làm gì thì làm, mà phải có bộ Luật về Tiếng Việt, chữ Việt để bảo tồn văn hóa cho con cháu nghìn đời sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các nhà văn Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Tuân,... là những nhà trí thức lớn suốt đời ra sức bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, tại sao chúng ta lại không học theo những tấm gương ấy? Mong rằng “các nhà thư pháp Quốc ngữ” nên tỉnh táo suy nghĩ lại, đừng vì sự ham thích của mình mà phổ biến những kiểu viết làm tổn thương đến chữ viết của dân tộc.

Ngô Minh