Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung toàn lực để khôi phục sản xuất sau bão

Thứ hai, 01/08/2016 07:26

(Cadn.com.vn) - Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 1 và làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định ngày 31-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nam Định cần tập trung toàn lực để khôi phục sản xuất, tiêu úng cứu lúa và hoa màu, không để diện tích trống; đồng thời giúp nhân dân ổn định đời sống, sinh hoạt.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Nam Định cần tính toán, có giải pháp khắc phục các diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, không để thiếu hụt sản lượng lương thực. Những diện tích lúa bị chết, địa phương sớm triển khai tỉa dặm, gieo cấy lại hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đảm bảo thời vụ và năng suất. Đối với những diện tích nước đã rút, ngành nông nghiệp chú ý cử cán bộ hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc lúa theo quy trình. Tỉnh cần kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống đê biển, đê sông, nhất là những vị trí đê kè xung yếu, các khu vực kè bị sạt lở trong cơn bão số 1 để có phương án khắc phục kịp thời, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng lớn nên Nam Định cần quan tâm giúp đỡ người dân nhanh chóng khôi phục lại sản xuất. Nam Định cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống bão bởi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng với đó, tỉnh thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tích cực trồng rừng, từng bước tăng diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ nhằm giữ đất, chắn gió và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN & PTNT xây dựng kế hoạch hỗ trợ giống lúa, giống rau màu các loại giúp bà con gieo trồng đảm bảo khung thời vụ. Ngành điện và các đơn vị tập trung dựng lại cột điện bị gãy đổ để cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Ngành tài nguyên và môi trường, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và các địa phương lưu ý công tác dự báo bão, cấp bão; đồng thời rút kinh nghiệm từ cơn bão số 1 vừa qua để dự báo chính xác nhằm hạn chế thiệt hại.

Theo báo cáo UBND tỉnh Nam Định, bão số 1 đã làm 4 người bị thương; ước tính tổng thiệt hại toàn tỉnh trên 2.380 tỷ đồng.

B.T

Bão số 2 có khả năng chuyển hướng vào Bắc Bộ

Chiều 31-7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết , vào hồi 14 giờ ngày 31-7, vị trí tâm bão Nida (cơn bão số 2) ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 122,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Lu Dông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 11-12. Dự báo bão Nida có xu hướng đổ bộ vào phía Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có khả năng bão di chuyển về hướng Nam (tương tự như bão số 1 – Mirinae), hướng về phía Bắc Bộ và gây mưa lớn cho khu vực này, đặc biệt là khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ từ đêm 2-8. Cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo ở các bản tin tiếp theo.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ hôm nay 1-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông khoảng 500km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 14-15.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 2-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển Tây Nam Hồng Kông-Ma Cao. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15-16.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Trước diễn biến của cơn bão số 2, sáng 31-7, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 16 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, các tỉnh miền núi phía Bắc và các bộ yêu cầu có phương án chủ động phòng chống bão.

B.T