Thủ tướng Israel bị truy tố hàng loạt tội danh lớn (Kỳ 1: Kiểm soát mạng tin tức)

Thứ bảy, 23/11/2019 16:54

Trong bản cáo trạng vừa công bố, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bị cáo buộc với 3 tội danh: hối lộ, lợi dụng lòng tin và gian lận, đối mặt với án tù giam lên tới 13 năm. Lần đầu tiên trong lịch sử Israel, một thủ tướng đương nhiệm bị cáo buộc phạm tội. Điều này sẽ gây ra thách thức rất lớn đối với những nỗ lực duy trì quyền lực của ông Netanyahu.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trong cuộc họp của phe cánh hữu tại Quốc hội Israel hôm 20-11.  Ảnh: AFP

"Không phải là vấn đề chính trị"

Trong phiên điều trần trước bản cáo trạng lần cuối cùng vào tháng trước, nhóm pháp lý đầy quyền lực của ông Netanyahu đã cố gắng thuyết phục các công tố viên khép lại các vụ án, bao gồm cả tội danh hối lộ nghiêm trọng nhất. Nhưng Tổng chưởng lý Avichai Mandelblit, người được ông Netanyahu bổ nhiệm và từng giữ chức thư ký nội các, không muốn dừng lại. "Ngày mà Bộ trưởng Tư pháp quyết định trình bản cáo trạng chống lại một thủ tướng đương nhiệm vì các tội nghiêm trọng về tham nhũng và quản lý là một ngày buồn bã và nặng nề, đối với công chúng Israel và cá nhân tôi", ông Mandelblit nói với các phóng viên. Ông Mandelblit khẳng định quyết định truy tố "không phải là vấn đề chính trị".

Có thể phải vài tháng nữa, bản cáo trạng chính thức mới được công bố, song  các cáo buộc là một “cú đánh” đáng kể đối với Thủ tướng nắm quyền lâu nhất của Israel, người đã giữ vai trò này tổng cộng hơn 13 năm. Ngay từ khi các cuộc điều tra được công khai gần 3 năm trước, ông Netanyahu đã tuyên bố mình vô tội. Khi các cuộc điều tra tiến triển, ông Netanyahu từ chối lời kêu gọi từ chức từ các nghị sĩ. Không giống như một bộ trưởng chính phủ hoặc một nghị sĩ bình thường, người phải từ chức nếu bị truy tố, một thủ tướng không nhất thiết phải làm như vậy. Thay vào đó, ông ấy chỉ được yêu cầu từ chức sau khi bị kết án và quá trình kháng cáo tiếp theo có thể mất nhiều năm.

Ông Netanyahu đã bác bỏ tất cả cáo buộc, nói rằng chúng là một phần "cuộc săn phù thủy" của các phe phái chính trị để lật đổ ông. Phản ứng với bản cáo trạng lần này, ông Netanyahu nói trong bài phát biểu trên truyền hình rằng các cáo buộc "giả mạo" và "có động cơ chính trị" góp phần vào "nỗ lực đảo chính" chống lại ông. "Công chúng đã mất niềm tin vào hệ thống pháp luật", ông nói.

Vụ 4000

Các cáo buộc hình sự đối với ông Netanyahu được nêu chi tiết trong bản cáo trạng dài 63 trang. Trong vụ việc nghiêm trọng nhất, được gọi là “Vụ 4000”, các công tố viên cho biết ông Netanyahu đã nâng cao lợi ích pháp lý trị giá hơn 1 tỷ shekels (khoảng 280 triệu USD) cho bạn của mình, triệu phú Shaul Elovitch, người sở hữu trang mạng tin tức Walla!, giúp ông này kiểm soát một phần Cty viễn thông Bezeq. Các công tố viên nói rằng đổi lại, ông Netanyahu, người cũng từng giữ chức Bộ trưởng Truyền thông Israel, đã nhận được tin tức có lợi trên Walla!. Ông Mandelblit mô tả mối quan hệ giữa ông Netanyahu và ông Elovitch là "sâu sắc, thường xuyên và phi thường", cho biết thêm rằng mối quan hệ của vợ của hai người này cũng cực kỳ đặc biệt.

Các công tố viên cho biết, bắt đầu từ cuối năm 2012, ông Netanyahu đã đưa ra "hàng trăm yêu cầu, đôi khi hàng ngày" để tung ra các tin tức tích cực về ông, đặc biệt là trong thời gian bầu cử. Vào ngày bầu cử năm 2015, ông Netanyahu yêu cầu trang mạng này thu hút sự chú ý bằng cách đăng tải một video trong đó ông tuyên bố, "Người Arab sẽ tham gia bầu cử". Ông Netanyahu đã trực tiếp truyền đạt yêu cầu của mình tới ông Elovitch cũng như thông qua một số người thân cận nhất với ông, bao gồm ông Shlomo Filber, người sau đó làm Tổng giám đốc Bộ Truyền thông và ông Nir Hefetz, người phát ngôn của gia đình ông Netanyahu vào thời điểm đó. Cả ông Hefetz và ông Filber đều trở thành nhân chứng trong quá trình điều tra, cung cấp bằng chứng và lời khai chống lại lãnh đạo cũ của họ. Ari Harow, cựu chánh văn phòng của ông Netanyahu, cũng trở thành nhân chứng. Trong loạt bản sao các cuộc hội thoại liên quan đến Walla! về ông Netanyahu, các công tố viên đưa ra mô hình hành vi trong đó ông Netanyahu, trực tiếp hoặc thông qua trung gian, sẽ yêu cầu đăng tải các câu chuyện hoặc thay đổi tít đề.

Năm 2015, ông Netanyahu bổ nhiệm ông Filber - khi đó là một trong những người bạn thân nhất của ông - vào vị trí Tổng giám đốc của Bộ Truyền thông và được cho là đã chỉ đạo ông Filber nhanh chóng sáp nhập Bezeq và một Cty viễn thông khác có tên Yes. Việc sáp nhập trực tiếp mang lại lợi ích cho ông Elovitch vì cổ phần của ông tại Bezeq. Các công tố viên cho biết, ông Filber đã duy trì một kênh bí mật với ông Elovitch và các quan chức Bezeq khác để cập nhật cho họ về tình trạng phê duyệt của vụ sáp nhập. Đồng thời, các quan chức của Bezeq bị cáo buộc đưa ra yêu cầu của riêng họ, khẳng định thỏa thuận được phê duyệt không làm Cty có thay đổi quá nhiều. Ông Netanyahu đã nhấn mạnh rằng tất cả các quyết định liên quan đến Bezeq và việc sáp nhập với Yes chỉ được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia pháp lý và các chuyên gia trong ngành. Ông Elovitch, người phải đối mặt với tội danh hối lộ, cũng đã phủ nhận mọi hành vi sai trái.

 (còn nữa) 

AN BÌNH