Chiến sự Israel - Hamas:

Thủ tướng Israel khẳng định không tìm cách chiếm đóng Dải Gaza

Thứ bảy, 11/11/2023 14:03
Ngày 10-11, Thủ tướng Benjamin Netanyahu lần đầu tiên công khai tuyên bố rằng Israel không tìm cách thay thế người Palestine kiểm soát Dải Gaza sau cuộc chiến chống Hamas, sau khi ngày càng nhiều nhà lãnh đạo khu vực bày tỏ lo ngại rằng đây là động cơ chính của Tel Aviv.
Xe tăng, binh sĩ Israel tham chiến tại Dải Gaza ngày 9-11. Ảnh: IDF
Xe tăng, binh sĩ Israel tham chiến tại Dải Gaza ngày 9-11. Ảnh: IDF

Phát biểu với đài Fox News, Thủ cho biết: “Chúng tôi không tìm cách thay thế bất kỳ ai. Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là thuyết phục người dân ở phía Bắc Dải Gaza, nơi giao tranh diễn ra, di chuyển về phía Nam, nơi chúng tôi đã thiết lập vùng an toàn. Chúng tôi đang khuyến khích và tạo điều kiện cho sự trợ giúp nhân đạo đến đó”. Thủ tướng Netanyahu cũng cung cấp những chi tiết mới liên quan đến tầm nhìn của Israel về việc Gaza sẽ như thế nào sau chiến tranh: “Những gì chúng tôi phải thấy là Gaza được phi quân sự hóa, phi cực đoan hóa và được xây dựng lại. Tất cả những điều đó đều có thể đạt được”. “Chúng tôi không tìm cách chinh phục Gaza. Chúng tôi không tìm cách chiếm Gaza. Và chúng tôi không tìm cách cai trị Gaza”, Thủ tướng Netanyahu khẳng định.

Trước đó, ông Netanyahu từng đề cập rằng Israel sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh tại Gaza trong một khoảng thời gian chưa xác định. Mỹ, một đồng minh của Israel, phản đối nước này kiểm soát Dải Gaza sau khi xung đột chấm dứt đồng thời mong muốn Chính quyền Palestine (PA) sẽ trở lại quản lý Gaza theo cách sẽ thống nhất vùng lãnh thổ này với Bờ Tây về mặt chính trị và mở đường cho giải pháp hai nhà nước..

Ông Netanyahu không đề cập đến quan điểm trên của Mỹ khi Chính phủ Israel đang mối quan hệ gay gắt với Chính quyền Palestine. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu nói: “Chúng tôi sẽ phải tìm một chính phủ dân sự ở đó”. Sau đó, ông Netanyahu nói thêm rằng: “Trong tương lai gần, chúng tôi phải có một lực lượng đáng tin cậy để nếu cần, sẽ tiến vào Gaza và tiêu diệt những kẻ khủng bố. Đó là điều sẽ ngăn chặn sự xuất hiện của một thực thể khác giống Hamas”.

Ngừng bắn nhân đạo 4 tiếng mỗi ngày tại Dải Gaza

Nhà Trắng ngày 9-11 cho biết Israel đã nhất trí tạm dừng hoạt động quân sự 4 tiếng hằng ngày tại phía Bắc Dải Gaza để cho phép người dân ở khu vực này chạy nạn khỏi cuộc chiến giữa Israel với phong trào Hamas. Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nêu rõ: “Israel sẽ bắt đầu thực hiện việc tạm dừng hoạt động quân sự 4 tiếng hằng ngày tại các khu vực ở phía Bắc Dải Gaza”. Theo ông Kirby, lệnh ngừng bắn nhân đạo đầu tiên sẽ được công bố trong ngày 9-11 và Israel đã cam kết thông báo vào thời điểm 3 tiếng trước khi bắt đầu ngừng bắn. Người phát ngôn nói thêm, Israel cũng đang mở hành lang thứ hai cho dân thường chạy trốn khỏi các khu vực hiện đang là trọng tâm của chiến dịch quân sự chống lại Hamas. Hành lang này là một con đường ven biển nối liền với đường cao tốc Bắc-Nam của Dải Gaza.

Trong khi đó, các nguồn tin an ninh và y tế Ai Cập cho biết hoạt động sơ tán người Palestine bị thương và người nước ngoài khỏi Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah đã được nối lại trong ngày 9-11 sau một ngày gián đoạn vì sự cố an ninh. 695 người có hộ chiếu nước ngoài và người phụ thuộc, trong đó có cả công dân Ai Cập, đã có thể qua cửa khẩu Rafah. Trong khi đó, 12 người cần điều trị y tế và 10 người đi kèm cũng đã rời Gaza để vào Ai Cập. Đặc phái viên Mỹ về các vấn đề nhân đạo ở Trung Đông, ông David Satterfield bày tỏ hy vọng hoạt động sơ tán qua cửa khẩu Rafah sẽ thuận lợi hơn với các khoảng dừng nhân đạo kéo dài 4 giờ mà phía Israel đã chấp thuận.

Israel tổn thất kinh tế nghiêm trọng

Theo nhận định của tờ Thời báo Tehran (Iran) ngày 9-11, hơn 1 tháng kể từ khi xung đột với Hamas nổ ra, các công ty Israel đang chịu những hậu quả nặng nề do cuộc giao tranh ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của họ, với hàng trăm doanh nghiệp bên bờ vực phá sản.

Bộ Lao động Israel cho biết khoảng 765.000 người Israel, chiếm 18% lực lượng lao động - không làm việc sau khi được huy động làm lực lượng dự bị để sẵn sàng tham gia chiến đấu chống Hamas ở Dải Gaza.Chi phí ban đầu của cuộc chiến tranh Gaza đối với Israel lên tới hơn 50 tỷ USD, khoảng 10% GDP của Nhà nước Do Thái.

Các chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng các gói tài chính mà ông Netanyahu hứa dành cho các công ty có nguy cơ phá sản cao sẽ không đủ nếu triển vọng kinh tế của Israel tiếp tục xấu đi. Theo tạp chí Chính sách đối ngoại Mỹ (Foreign Policy), nền kinh tế thời chiến của Israel không thể tồn tại mãi mãi và có thể sẽ sớm hướng tới một cuộc suy thoái, với việc chính quyền huy động quân sự ồ ạt dẫn đến căng thẳng kinh tế nghiêm trọng.

Nền kinh tế Israel được cho là đã đổ vào cuộc chiến với Hamas khoảng 200 tỷ USD dự trữ và 14 tỷ USD viện trợ quân sự từ Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza sẽ khiến nền kinh tế Israel thiệt hại thêm hàng tỷ USD và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi so với trước đây.

AN BÌNH