Thủ tướng lần thứ 3 kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Thứ bảy, 01/08/2020 17:21

* Đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cơ bản toàn Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2021

Chiều 31-7, tại nút giao Thân Cửu Nghĩa thuộc địa bàn xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thị sát tiến độ thi công. Đây là lần thứ 3 kể từ khi Dự án được tái khởi động từ tháng 3-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp thăm công trường, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đảm bảo mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Báo cáo với Thủ tướng tại công trường, Ban điều hành Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hạn, mặn xâm nhập mạnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến khan thiếu nguồn nguyên vật liệu, nhưng Ban điều hành đã cùng các nhà thầu nỗ lực vượt qua khó khăn và đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác đắp gia tải xử lý nền đất yếu trên tuyến chính. So với thời điểm Thủ tướng thị sát hồi tháng 3-2020, khối lượng thực hiện đã được đẩy tăng từ 40% lên gần 60% (tăng 20%), đúng kế hoạch thông tuyến vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phục vụ cho xe dưới 16 chỗ, xe dưới 2,5 tấn lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau 9 tháng triển khai, khối lượng công việc của dự án đã triển khai rất lớn. Nếu như 1 năm trước, khối lượng công việc chỉ đạt 10% thì 9 tháng qua đã tăng thêm 50%. Đây là cố gắng rất lớn của chủ đầu tư, các nhà thầu, địa phương, các cơ quan liên quan. Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo: Đây là tuyến đường rất ý nghĩa đối với nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải phải tiếp tục triển khai dự án cầu Mỹ Thuận sớm nhất vì vốn được cấp đã sẵn sàng. Bộ Giao thông Vận tải cần đảm nhận việc triển khai công trình từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, giải ngân hết số vốn; nghiên cứu tuyến Cần Thơ - Cà Mau, đưa vào kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 để hoàn thiện 365km từ thành phố Hồ Chí Minh đi Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau.

 Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong chuyến công tác tại Ninh Bình và kiểm tra tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Theo thông báo, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phấn đấu hoàn thành cơ bản toàn Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2021, thông xe vào năm 2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung thực hiện Nghị quyết Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (khi Nghị quyết được ban hành).

Bộ Giao thông Vận tải phải quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện toàn Dự án cao tốc Bắc -Nam phía Đông theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm khởi công các dự án (đặc biệt là Dự án thành phần đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45); khẩn trương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP; đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công đối với các dự án thành phần đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm chất lượng, an toàn (cả trong thi công và trong khai thác sử dụng), tiến độ, hiệu quả, công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh có dự án đi qua quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật để bàn giao cho các đơn vị thi công chậm nhất vào ngày 31-8-2020; cùng với Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu hoàn thành cơ bản toàn Dự án vào năm 2021, thông xe vào năm 2022.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được triển khai chia thành 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km đi qua địa phận 13 tỉnh (Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long). Tổng mức đầu tư toàn dự án gần 119 nghìn tỷ đồng.

T.T