Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phong trào thi đua cần linh hoạt, sát cuộc sống
(Cadn.com.vn) - Ngày 1-3, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã họp phiên thứ 63 tổng kết công tác của Hội đồng năm 2015, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương chủ trì cuộc họp.
Báo cáo của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương cho thấy năm 2015, phong trào thi đua của các Bộ, ngành, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương đã có những tiến bộ, được triển khai bài bản, có tiêu chí và nội dung cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, trọng tâm là thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011 – 2015. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được triển khai sôi nổi, rộng khắp, được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương chủ trì cuộc họp. |
Cân đối trọng tâm, trọng điểm khen thưởng
Bà Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương cho biết: đến nay, cả nước có 1.674 xã (đạt 18,7%) và 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng kết giai đoạn một của phong trào, 13 tỉnh, thành phố đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và công trình trị giá 30 tỷ đồng; 66 huyện được tặng thưởng Cờ Thi đua của Chính phủ và công trình trị giá 10 tỷ đồng; 664 xã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và công trình trị giá 1 tỷ đồng; 14 Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương có thành tích xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm 2015, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho hơn 95.800 tập thể, cá nhân, trong đó, khen thưởng niên hạn trong lực lượng vũ trang chiếm 79,1%, khen thưởng kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị chiếm 18,7%, khen thưởng cống hiến chiếm 0,37% và khen thưởng đột xuất, chuyên đề chiếm 1,1%.
Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tập trung thực hiện tốt, có hơn 22.400 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đại hội thi đua yêu nước và hội nghị điển hình tiên tiến các cấp được tổ chức từ cơ sở, đảm bảo nội dung, kế hoạch đề ra, gắn với tổng kết giai đoạn một phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; thông qua đại hội từ cơ sở đã biểu dương, tôn vinh hơn 10.000 tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi trước thềm Đại hội Đảng các cấp.
Tuy nhiên, một số phong trào thi đua hiệu quả chưa cao, chưa đi vào chiều sâu, hình thức và nội dung thi đua chưa phong phú, đa dạng, chưa phát huy hết tác dụng, hiệu quả của các phong trào. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu.
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Thế Trung cho rằng Trung ương phát động quá nhiều phong trào thi đua. Hàng năm nên có thống kê danh sách các phong trào thi đua của các Bộ, ban, ngành Trung ương phát động, có rà soát, đánh giá phong trào để tham mưu cho Hội đồng chỉ đạo trên tinh thần giảm số lượng lấy hiệu quả làm chính. Bên cạnh đó cần cân đối trọng tâm, trọng điểm khen thưởng. Khen thưởng niên hạn trong lực lượng vũ trang tỷ lệ quá cao trong khi khen nhiệm vụ phát triển kinh tế lại thấp. Các cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng phải là người giữ được phong trào, lan tỏa phong trào.
Theo Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cần tăng khen thưởng phát triển nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, khen thưởng cống hiến. Chung quan điểm trên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhìn nhận khen thưởng cho thực hiện nhiệm vụ chính trị, khen thưởng kinh tế, xã hội còn ít, khen cho lãnh đạo cấp cao và cao cấp chưa thực hiện được. Cần rút kinh nghiệm về tên phong trào thi đua và tạo nề nếp tốt trong công tác khen thưởng.
Phải đưa cái tốt lên
Năm 2016, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương phát động phong trào thi đua ngay từ những tháng đầu của năm, nhằm thiết thực hưởng ứng 5 nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng Bộ, ngành, địa phương và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, hướng các phong trào thi đua vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề khó khăn cần tập trung giải quyết. Hội đồng tiếp tục triển khai giai đoạn 2 phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ngày càng thiết thực, hiệu quả; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016 – 2020).
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh phong trào thi đua năm 2016 trên tinh thần bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục duy trì các phong trào thi đua yêu nước với chủ đề linh hoạt, không quá cứng về số lượng phong trào. Các phong trào thi đua cần linh hoạt, sát cuộc sống, được thực hiện trong thời gian, lĩnh vực nhất định, có mục tiêu, yêu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn, có sơ kết, tổng kết, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, đề bạt các tấm gương người tốt. Phải đưa cái tốt lên để đẩy lùi cái ác, cái xấu, để xã hội ngày càng tốt hơn, công tác thi đua phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, gắn với nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, giữ cho được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia – Thủ tướng nêu rõ.
Thu Thủy – TTXVN