Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Giải phóng các dòng vốn tạo động lực cho phát triển
* Ông Nguyễn Đức Chung liên quan việc chiếm đoạt tài liệu mật vụ Nhật Cường
Ngày 4-9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp Phiên thường kỳ đánh giá về tình hình thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. |
Nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng vừa qua có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tốt, Thủ tướng cho biết, kinh tế duy trì ổn định mặc dù không phải phục hồi nhanh. Kinh tế vĩ mô ổn định. Chính sách tiền tệ được điều hành tương đối tốt, phục vụ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô. Đáng chú ý, dự trữ ngoại hối đã lên mức 92 tỷ USD, phấn đấu đạt 100 tỷ USD trong năm 2020.
Trong bối cảnh khó khăn nhưng nhiều hoạt động đối ngoại vẫn được triển khai, để lại ấn tượng tốt đẹp, đặc biệt là sự kiện kỷ niệm 75 năm Quốc khánh được tổ chức trong không khí thân tình, cởi mở và tin tưởng vào Việt Nam. Uy tín, vị thế của Việt Nam tiếp tục được củng cố trên trường quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục xuất hiện những tấm lòng nhân ái, hỗ trợ, tham gia phòng, chống dịch.
Thủ tướng đề nghị, các thành viên Chính phủ, các địa phương cần tập trung khắc phục những tồn tại như: Sản xuất công nghiệp, một trong những lĩnh vực sản xuất trọng yếu của nền kinh tế đang tăng trưởng thấp. Hoạt động thương mại, dịch vụ, đặc biệt là du lịch, tiêu dùng có xu hướng giảm. Sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cả doanh nghiệp lớn. Nguy cơ suy giảm việc làm diễn ra, nhất là ở các khu vực đô thị. Cùng với đó, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là mùa mưa bão sắp đến.
Thủ tướng đề nghị tập trung hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các thành phần kinh tế: Kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã; trong đó có việc đề xuất điều chỉnh các mức phí, lệ phí, tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ người lao động, tiếp tục hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu thu nhập; cần có chính sách tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư FDI, đầu tư trong nước; cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa để giải phóng các dòng vốn tạo động lực cho phát triển.
Nhấn mạnh tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu cần có các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cả cung và cầu. Chính sách tiền tệ, tài khóa cần phát huy hiệu quả hơn nữa đối với tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, áp dụng những mô hình, phương thức mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong trạng thái “bình thường mới”.
* Cùng ngày, tại cuộc họp báo Chính phủ Thường kỳ, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an trả lời các câu hỏi về các vụ án liên quan Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Trước đó, ngày 28-8, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” quy định tại Điều 337, Bộ luật Hình sự năm 2015. "Về vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật, cơ quan điều tra đã chứng minh có hành vi chiếm đoạt một số tài liệu bí mật, trong đó tài liệu mật liên quan vụ Nhật Cường" - Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết.
Trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan, Bộ Công an đã khởi tố 28 bị can liên quan đến 4 tội danh Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Nhật Cường bị khởi tố cả 4 tội danh và đang bị truy nã.
Thông tin thêm về chi tiết vụ án, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, Bùi Quang Huy sử dụng tư cách pháp nhân của công ty Nhật Cường tổ chức buôn lậu hơn 260 nghìn sản phẩm điện thoại, các sản phẩm điện tử khác với giá trị 3.200 tỷ đồng, thu lời bất chính 236 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhật Cường còn lập sổ sách kế toán để che giấu hành vi trốn thuế 30 tỷ đồng.
"Bên cạnh đó, qua quá trình điều tra gói thầu số hóa của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại 19,8 tỷ đồng. Trong đó có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung" - Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết.
XUÂN TÙNG