Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để mọi hoạt động tê liệt vì dịch bệnh
Chiều 12-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 15 địa phương về tình hình và các biện pháp mới phòng chống dịch Covid-19. Dự tại điểm cầu TP Đà Nẵng có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cùng đại diện các sở, ngành.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. |
Đà Nẵng có 13 người tử vong
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ổ dịch tại Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát, đã hạn chế được việc lây lan rộng ra cộng đồng, số trường hợp mắc mới ghi nhận giảm trong những ngày gần đây. Các trường hợp mắc bệnh ghi nhận tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua phần lớn là các trường hợp tại các bệnh viện trong thời gian bị phong tỏa (43 trường hợp) và các trường hợp tiếp xúc gần (F1) với các trường hợp mắc bệnh đã được cách ly y tế tập trung (172 trường hợp). Đến chiều 12-8, cả nước có 17 trường hợp tử vong. Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hóa chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hóa đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuýp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi...
Ông Long cho rằng, mặc dù đợt dịch này đã từng bước được kiểm soát và hạn chế được khả năng lây lan rộng ra cộng đồng, tuy nhiên trong thời gian tới vẫn có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các trường hợp nhiễm SARS- CoV-2 chưa được phát hiện trong cộng đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, đến nay, Đà Nẵng đã ghi nhận 296 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 13 người tử vong. Tổng số mẫu đã thực hiện xét nghiệm theo cả 2 phương pháp (gộp và đơn lẻ) mà TP đã thực hiện là 75.400 mẫu. Đà Nẵng cũng truy vết F1 và cách ly 10.300 người. Năng lực xét nghiệm ban đầu từ 700 mẫu/ngày đến nay nâng lên hơn 10.000 mẫu/ngày.
Điểm cầu tại TP Đà Nẵng. |
Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta đã bình tĩnh, căn cơ, cương quyết với các giải pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, nên cơ bản đã xử lý có kết quả tình hình dịch bệnh vừa qua. “Những ngày qua, ngành Y tế, Ban chỉ đạo quốc gia, các lực lượng chức năng, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác đều rất cố gắng. Nhiều nhà tài trợ, nhiều địa phương giúp đỡ lẫn nhau với một tinh thần rất đáng được trân trọng”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, nhiều bài học được rút ra, đúc kết thành các từ khóa hay công thức như: Phát hiện nhanh, cách ly nhanh, xét nghiệm rộng và nhanh, đơn cử như ở Hà Nội hay Đà Nẵng xét nghiệm diện rộng trên 10.000 ca một ngày. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần tiếp tục phát huy việc điều phối hiệu quả và đặc biệt hỗ trợ kịp thời các phương tiện, năng lực xét nghiệm và vật tư, nhân lực, chuyên môn cho địa phương. Các bộ ngành, địa phương phải trang bị đầy đủ, kịp thời phương tiện bảo hộ cho các lực lượng chống dịch, đặc biệt đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế, lực lượng Công an, Quân đội làm nhiệm vụ chống dịch, không để lây nhiễm chéo...
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị ngành Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc, vaccine, hoàn thiện phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân... “Ngành Y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn trực tiếp cho nhân viên y tế ở tất cả cơ sở y tế, nên có một quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm COVID-19, không để bệnh nhân đi lang thang hết bệnh viện này đến bệnh viện khác hoặc kéo dài ở một bệnh viện”. Các trường hợp ho, sốt, viêm hô hấp thì phải kiểm tra ngay để xử lý...”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm Quảng Nam, Đà Nẵng, Thủ tướng đề nghị các địa phương thành lập các tổ tuyên truyền và giám sát cộng đồng để đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà các đối tượng nghi ngờ, báo y tế kiểm tra, đặc biệt, cần triển khai mạnh ở các địa phương có ca nhiễm. Thủ tướng nói: “Từng địa phương nên suy nghĩ về một chiến lược chống dịch bệnh hiệu quả, cả về kinh tế và đặc biệt là y tế. Chúng ta đề cao phòng, chống dịch bệnh, điều này nhất quyết không được chủ quan, mất cảnh giác nhưng việc đóng cửa nghiêm ngặt ở quy mô quá rộng, không chỉ tê liệt mọi hoạt động kinh tế xã hội mà tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của người dân. Đây là bài toán vô cùng khó trong lãnh đạo, chỉ đạo, các đồng chí phải tỉnh táo, phải biết cách làm phù hợp, không thể coi thường tính mạng của người dân nhưng không thể đóng cửa mọi hoạt động để tê liệt”.
L.H
>>Tiếp tục cách ly TP Hội An theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
>>Bệnh nhân thứ 18 tử vong vì suy thận mạn giai đoạn cuối và mắc COVID-19