Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để thiếu sót của thể chế kìm hãm sự phát triển

Thứ năm, 02/06/2016 06:55

(Cadn.com.vn) - Ngày 1-6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 5. Điểm đặc biệt tại Phiên họp lần này là thay vì thảo luận ngay về tình hình kinh tế - xã hội, theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong buổi sáng làm việc đầu tiên của Phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành thời gian đánh giá chi tiết về kết quả công tác xây dựng thể chế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại quan điểm đã được tập thể Chính phủ xác định từ Phiên họp tháng 4 đó là xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân để nhân dân có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, an toàn hơn; trong đó, tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, pháp luật. “Một câu hỏi lớn đặt ra là vì sao chúng ta vẫn chưa phát triển mạnh? Một nguyên nhân rất quan trọng là vấn đề cải cách hành chính, bộ máy, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta chưa tạo môi trường tốt cho sự phát triển, cái chính là pháp luật còn ràng buộc, tính minh bạch hạn chế, rồi vấn đề đạo đức công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, bộ máy cán bộ công chức...”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Báo cáo về vấn đề tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, “tình hình rất đáng lo ngại”. Tính đến ngày 31-5, theo thống kê, Chính phủ cần phải ban hành 51 văn bản hướng dẫn nhưng mới ban hành được 14 văn bản, còn 37 văn bản chưa được ban hành. Trong đó, 11 văn bản đã xây dựng xong dự thảo và đang trong quy trình xử lý, số văn bản chưa trình là 26. Ngoài ra, còn 91 Thông tư và 13 Thông tư liên tịch chưa được ban hành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN

Đáng lưu ý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, mặc dù Bộ KH&ĐT đã hướng dẫn nhưng nhiều bộ còn lúng túng trong phân biệt các điều kiện kinh doanh và quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, nên chậm xác định rõ các điều kiện phải nâng cấp từ Thông tư lên Nghị định. Bản báo cáo này được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao với tinh thần thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm đúng với định hướng xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Đặc biệt, báo cáo đã đánh giá cụ thể, thẳng thắn kết quả việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế và công khai hóa danh sách nợ văn bản của từng bộ, ngành để từ đó, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các bộ, ngành trong vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ còn nợ đọng văn bản chưa trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, phải báo cáo giải trình nghiêm túc trước Chính phủ.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, từ Thủ tướng đến các Bộ trưởng, Vụ trưởng đều phải tập trung, làm tốt. Đây là nút thắt quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã tập trung chỉ đạo thực hiện; không để những thiếu sót từ thể chế kìm hãm sự phát triển. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian hơn nữa, coi trọng hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ này.  Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, trong cuộc giao ban của các Bộ, ngành, nhiệm vụ đầu tiên là thảo luận về thể chế. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra trực tiếp đến tận các Bộ, cơ quan ngang bộ để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư và Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp. Theo đó, kiên quyết cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh và bãi bỏ giấy phép con không hợp lý. Các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm. Không dùng mệnh lệnh hành chính; tạo động lực cho phát triển. Thúc đẩy giao dịch qua môi trường mạng, thay vì giấy tờ, trực tiếp để tránh tiêu cực, tham nhũng.

Thu Thủy – TTXVN