Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không thể đi theo con đường lao động giá rẻ

Thứ hai, 06/05/2019 07:00

Ngày 5-5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân, lao động kỹ thuật cao của 7 địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Buổi đối thoại có chủ đề “Công nhân kỹ thuật cao là một trong những động lực phát triển đất nước”, có sự tham dự của 1.000 công nhân, lao động, trong đó có 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với công nhân, lao động kỹ thuật cao.

Sẽ bắt buộc doanh nghiệp để công nhân đi học

Đại diện cho khối công nhân, người lao động tay nghề cao đóng góp những ý kiến đầu tiên tại buổi đối thoại, anh Đinh Đăng Đoàn - Cty CP quốc tế Phong Phú - Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng công tác đào tạo nghề hiện chưa theo kịp xu hướng phát triển công nghệ. Có những ngành nghề kỹ thuật cao hiện chưa được đào tạo tại Việt Nam. Việc này dẫn đến tình trạng người lao động tại Việt Nam không được đào tạo bài bản như tại các nước phát triển.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Quang, Xí nghiệp Địa vật lý Giếng khoan, Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng mặt bằng công tác đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động cạnh tranh. Anh Quang đề nghị cần tăng cường gắn kết cơ sở đào tạo nghề với đơn vị sử dụng lao động để công tác giảng dạy, học tập đi đôi với thực hành trên thực tế.

Đại diện cho khối sử dụng lao động, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE cho rằng: “Người Việt Nam thường chuộng bằng cấp, thích con em có bằng đại học. Trong khi đó, người Đức có quan điểm rõ ràng là cần kỹ sư, công nhân, nên trong chương trình đào tạo hướng nghiệp đã định hướng ai làm kỹ sư, ai làm công nhân và ở Đức lương công nhân kỹ thuật cao cao hơn lương kỹ sư. Do đó, đào tạo phải có hướng nghiệp rõ ràng cho học sinh, sinh viên trong tương lai.

Được Thủ tướng đề nghị đối thoại với công nhân về các nội dung này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Sắp tới đây, Bộ luật Lao động sẽ có quy định bắt buộc doanh nghiệp để công nhân có nhu cầu đi học được tham gia đi học. Chính phủ đã tập trung xây dựng các quy định năng lực học, chuẩn đầu ra của 160 ngành nghề, lĩnh vực. Trên cơ sở đó không nhất thiết phải học trong nhà trường, có thể học từ xa, người công nhân có thể lựa chọn ngành nghề, hình thức học tập phù hợp.

Tham gia ý kiến về chủ đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến phương thức đào tạo gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào đào tạo như huy động giảng viên là những kỹ sư có tay nghề, thâm niên công tác. Bộ cũng chủ trương mở rộng các hình thức đào tạo liên thông giữa trung cấp, cao đẳng và Đại học. Bộ cũng chú ý đến việc tăng cường nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp cho đối tượng công nhân, người lao động, nhất là đào tạo ngoại ngữ chuyên sâu kỹ thuật; đa dạng hình thức đào tạo từ xa, kỹ năng nhóm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho công nhân, lao động kỹ thuật cao. 

“Năng suất lao động quyết định tất cả”

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những kiến nghị của công nhân, người lao động tay nghề cao tại buổi đối thoại có ý nghĩa thiết thực trong việc hình thành chính sách đối với giai cấp công nhân nói chung và tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung.

Thủ tướng khẳng định, lực lượng công nhân lao động có trình độ kỹ thuật chính là tài sản, tài nguyên, vốn quý của quốc gia bởi đây là nguồn động lực phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là trong 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trong tổng số hơn 53 triệu lao động thì chưa đầy 19% công nhân có trình độ kỹ thuật cao, còn lại là lao động phổ thông. Đó là vấn đề mà các bộ, ngành cần phải nhìn nhận và có chính sách cụ thể để thay đổi, vì chúng ta không đi theo con đường lao động giá rẻ nữa.

“Lênin nói “Năng suất lao động quyết định tất cả”, trong khi chúng ta có dân số vàng, nếu có lực lượng lao động trình độ cao nữa, chúng ta sẽ thành công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần nhận thức đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, các yếu tố cần và đủ trong hình thành, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ lao động kỹ thuật cao. Bởi, Việt Nam là nền kinh tế còn có nhiều doanh nghiệp năng suất và sức cạnh tranh còn thấp do thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ công nhân kỹ thuật cao cả về số lượng và  chất lượng.

Không thể đi theo con đường lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn mà phải tăng cường ứng dụng, đổi mới khoa học và công nghệ - yếu tố quyết định trong phát triển đất nước, Thủ tướng nói.

Chia sẻ với đội ngũ công nhân lao động kỹ thuật cao của đất nước, Thủ tướng đề nghị: “Công nhân Việt Nam phải tự học, tự rèn, học nữa, học mãi, học suốt đời”; phấn đấu quyết liệt để có “nghệ tinh và thân vinh”, Thủ tướng mong muốn và đề nghị công nhân, người lao động cần có khát vọng, hoài bão; thay đổi cuộc sống; vượt qua những thói quen lãng phí thời gian, tránh xa tệ nạn xã hội, dành thời gian cho đọc sách, trau dồi kỹ năng.

T.THỦY – TTXVN