Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt Đà Nẵng, Quảng Nam
(Cadn.com.vn) - Chiều 28-9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP Đà Nẵng về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội Đà Nẵng 9 tháng đầu năm 2016 cũng như giải quyết những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, đưa Đà Nẵng bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế Trung tâm kinh tế khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương. Về phía thành phố có Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo một số Sở, ngành. Trước đó vào sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với cán bộ chủ chốt TP Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN |
Tăng trưởng mạnh mẽ
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết, 9 tháng đầu năm, tình hình KT - XH thành phố tiếp tục chuyển biến tích cực. Các chỉ tiêu kinh tế đều tăng, thu ngân sách đạt khá so với dự toán và tăng cao so cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, tăng trưởng 9 tháng qua ước đạt 38.820 tỷ đồng tăng 8,85% so với cùng kỳ 2015, thu hút 7 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 6.280 tỷ đồng; số DN dân doanh thành lập mới tăng 37%, số vốn đăng ký tăng 33% so cùng kỳ; đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài cho 43 dự án, tổng vốn đầu tư 14,71 triệu USD, 11 dự án tăng thêm vốn 7,06 triệu USD.
Hoạt động thu hút và xúc tiến các dự án ODA đạt kết quả tốt. Thu ngân sách ước thực hiện trên 14.100 tỷ đồng, đạt gần 95% dự toán, trong đó, thu nội địa 11.365 tỷ đồng, đạt 90,4% dự toán, thu thuế xuất nhập khẩu đạt 2.555 tỷ đồng, đạt 116,2% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương trên 10.000 tỷ đồng, đạt 67,7% dự toán. Du lịch Đà Nẵng tiếp tục có sự bứt phá lớn, ước có tới 4,41 triệu lượt khách đến Đà Nẵng, bằng 85,8% kế hoạch, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của Đà Nẵng ước đạt 12.796 tỷ đồng, tăng 25,4%.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) gắn với các hoạt động khởi nghiệp từng bước phát huy hiệu quả, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN triển khai dự án. Các công trình trọng điểm cơ bản đảm bảo tiến độ. Công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt; hoàn thành vượt kế hoạch Đề án xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách năm 2016. Công tác phối hợp chuẩn bị các điều kiện phục vụ tổ chức Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 5 (ABG5) được triển khai chu đáo. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; Cải cách hành chính thực hiện đạt kết quả, dẫn đầu cả nước năm thứ 8 liên tiếp về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, năm thứ 4 liên tiếp về Chỉ số cải cách hành chính.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ kiến nghị, Chính phủ cần có Quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng; ổn định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương như hiện nay là 85% trong thời kỳ ổn định ngân sách mới 2017-2020; Chính phủ ban hành Cơ chế phối hợp, liên kết vùng (mang tính pháp lý), trong đó Đà Nẵng là trung tâm, đầu tàu của liên kết vùng; trang bị 30 xe ô-tô phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 từ nguồn ngân sách địa phương; sớm phê duyệt các dự án kết nối giao thông liên tỉnh và quốc tế theo Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị như dự án Xây dựng Hành lang Kinh tế Đông Tây 2, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14G, mở rộng tuyến Quốc lộ 14B (giai đoạn 2), dự án Xây dựng Cảng Liên Chiểu và dự án Khơi thông sông Cổ Cò.
Để đảm bảo thực hiện theo Kết luận 75/KL-TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) và đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của thành phố, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị Chính phủ hỗ trợ vốn đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, bố trí cho Thành phố là 7.363 tỷ đồng gồm: Vốn trong nước 4.211 tỷ đồng; Vốn nước ngoài 3.152 tỷ đồng (theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 916/BKHĐT-TH ngày 5-2-2016); hỗ trợ 4.379 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho 3 dự án có tính chất vùng đó là Dự án Cải tạo, nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Dự án Tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ QL 14B đến đường Hồ Chí Minh và dự án đê kè khẩn cấp chống sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, một số dự án có tính cấp thiết cần sớm được triển khai như: Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng cá Thọ Quang TP Đà Nẵng, Dự án Tuyến đường gom đường sắt từ Ngã Ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm, Dự án di dời ga đường sắt, Bổ sung địa điểm quy hoạch sân Golf tại xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam. Ảnh: THỐNG NHẤT |
Đưa Đà Nẵng trở thành những trung tâm tài chính, kinh tế, du lịch như Singapore, Hồng Kông
Để Đà Nẵng bứt phá, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho rằng: “Nếu năm 2020 Đà Nẵng không bứt phá được thì coi như thành phố thụt lùi, không thể đóng vai trò là thành phố trung tâm của khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Do đó, Đà Nẵng mong muốn Chính phủ chấp thuận để Đà Nẵng có một số cơ chế đặc thù làm cơ sở để tiếp tục phát triển mạnh trở thành động lực cho cả khu vực”.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành đều đánh giá cao các chỉ tiêu phát triển KT–XH của Đà Nẵng. Đồng thời cho rằng, Đà Nẵng cần quan tâm nhiều hơn đến quy hoạch đô thị để hướng tới vai trò trung tâm thương mại, tài chính khu vực trên cơ sở tiết kiệm, sử dụng đất hợp lý trong bối cảnh quỹ đất. Ngoài ta, để tránh lặp lại tình trạng quá tải đô thị trong tương lai, Đà Nẵng cần tính đến phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển các công trình giao thông ngầm, giảm tải giao thông cho nội đô, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh.
Đánh gia cao những kết quả mà Đà Nẵng đạt được, trong đó có việc tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, cơ cấu kinh tế hợp lý, có nguồn nhân lực, cán bộ công chức có chất lượng tốt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải có ước mơ, quyết tâm và quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa Đà Nẵng hướng đến trở thành những trung tâm tài chính, kinh tế du lịch của thế giới như Singapore, Hồng Kông trong tương lai gần.
Thủ tướng cũng lưu ý Đà Nẵng phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển thành phố, thành phố của khoa học công nghệ, có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao, là thành phố thông minh, cạnh tranh, thành phố kết nối với các thành phố khác trong nước, khu vực và thế giới.
Đối với lĩnh vực du lịch, Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng tăng cường quảng bá, hoàn thiện hạ tầng, tiện ích công cộng, đào tạo nhân lực, đa dạng sản phẩm, liên kết với các tỉnh trong vùng và Đà Nẵng là trung tâm.
Thủ tướng cũng lưu ý, Đà Nẵng cần tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ hơn kinh tế biển, trong đó có đánh bắt xa bờ.
Để đưa thành phố xứng tầm trung tâm khu vực, Thủ tướng gợi ý trước hết Đà Nẵng cần tập trung phát triển vào phía tây - nơi điều kiện kinh tế-xã hội còn thiếu và yếu hơn. Đặc biệt, Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương kiến nghị của Đà Nẵng về việc ban hành Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Đà Nẵng.
Thủ tướng mong muốn cả hệ thống chính trị, cán bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy ý chí, nghị lực của người dân miền Trung, đưa Đà Nẵng vươn lên, hoàn thành các mục tiêu phát triển, ngày càng có được những thành quả to lớn hơn nữa trong thời gian tiếp theo.
Xây dựng Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững và toàn diện
Sáng 28-9, phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xây dựng Quảng Nam thành mô hình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cùng Đà Nẵng và Quảng Ngãi trở thành trung tâm kinh tế vùng Trung Trung Bộ. Góp ý với Quảng Nam, đại diện các bộ đề nghị tỉnh cần chú ý đến công tác quy hoạch, đẩy mạnh đô thị hóa; lưu ý vấn đề mặn xâm nhập ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Quảng Nam cũng cần tiếp tục thúc đẩy đánh bắt xa bờ, hỗ trợ ngành nghề nuôi trồng thủy sản ven bờ kết hợp với phát triển du lịch. Các cơ quan Trung ương góp ý Quảng Nam rà soát, xây dựng quy hoạch để nâng cấp Cảng Chu Lai thành cảng trung chuyển quốc tế. Ngoài ra, tỉnh cũng cần thúc đẩy liên kết về du lịch với các địa phương từ Huế đến Khánh Hòa để tăng cường thu hút khách du lịch; phấn đấu đưa du lịch Quảng Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả khu vực miền Trung.
Phát biểu tại buổi làm việc, nhấn mạnh đến những tiềm năng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Quảng Nam là tỉnh lớn ở miền Trung, có cảng biển, sân bay, có nhiều tiềm năng thế mạnh để vươn lên. Đáng chú ý, đây cũng là vùng đất với truyền thống cách mạng Anh hùng, đây cũng là miền quê của hơn 70.000 liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Thủ tướng đề nghị, phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam phải có khát vọng mạnh mẽ, có tầm nhìn cao hơn trong tương lai, từ đó có giải pháp, hành động quyết liệt xây dựng tỉnh phát triển và lớn mạnh toàn diện trong vùng.
Thay mặt Chính phủ, biểu dương thành tựu của Quảng Nam, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục. Đó là với địa bàn rộng gấp 12 lần thành phố Đà Nẵng, tài nguyên thiên nhiên giàu có nhưng nhiều nơi, nhất là vùng đồng bào dân tộc của Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn, đây cũng là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Tỷ lệ doanh nghiệp trên bình quân người dân ở Quảng Nam còn thấp với mức 280 người dân/1 doanh nghiệp trong khi tỷ lệ bình quân cả nước là 160 người dân/1 doanh nghiệp. Cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn còn lớn. Quảng Nam cũng chưa có những dự án lớn, mang tính đột phá, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế; hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản phục vụ phát triển du lịch chưa đạt yêu cầu đề ra...
Định hướng phát triển cho tỉnh, Thủ tướng đề nghị xây dựng Quảng Nam thành mô hình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cùng Đà Nẵng và Quảng Ngãi trở thành trung tâm kinh tế vùng Nam Trung Bộ. Thủ tướng phân tích, để hoàn thành mục tiêu này cần nhiều nguồn lực và quan trọng là phải có một chính quyền liêm chính, kiến tạo và phục vụ người dân và doanh nghiệp, đi tắt đón đầu cuộc cách mạng lần thứ 4 để nắm bắt cơ hội phát triển. Bộ máy quản lý hành chính phải trách nhiệm, “máu lửa”, làm việc ngày đêm vì nhân dân; kiên quyết loại khỏi hệ thống cán bộ vô trách nhiệm trong công tác. Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn Quảng Nam sớm tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển toàn diện, nâng quy mô sản xuất kinh tế nông nghiệp tập trung vào kinh tế biển, đánh bắt xa bờ để tận dụng tốt lợi thế đường bờ biển dài. Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Nam kiên quyết từ chối các dự án công nghiệp gây hại cho môi trường để gìn giữ vốn quý về di tích, di sản và đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Thủ tướng gợi mở Quảng Nam sắp xếp lại quy hoạch dân cư để phục vụ tốt hơn đời sống người dân, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch kinh tế vùng đồng bằng ven biển, quy hoạch ngành, vùng. Thủ tướng lưu ý Quảng Nam giải quyết được bài toán tránh xung đột trong quy hoạch sản xuất công nghiệp, du lịch và bảo vệ môi trường sống của người dân. Thủ tướng đề nghị Quảng Nam mạnh dạn phấn đấu, tập trung thúc đẩy khởi nghiệp để có thể nâng tỷ lệ doanh nghiệp lên gấp 3 lần mức hiện nay. Tỉnh cũng cần chú ý hoàn thiện quy trình vận hành hồ chứa nước, hệ thống thủy điện đủ sức chống hạn, ngăn mặn, phòng ngừa thiên tai. Quảng Nam cũng cần nỗ lực lấp đầy các khu kinh tế, khu công nghiệp để khai thác tốt lợi thế mặt bằng; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và chú ý gìn giữ, phát triển văn hóa, xây dựng môi trường ứng xử đúng mực, mến khách, thân thiện trong nhân dân để đẩy mạnh thu hút du lịch, đưa lĩnh vực này xứng tầm một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và khu vực miền Trung, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng, với ý chí quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dám làm được quán triệt và lan tỏa từ tỉnh đến xã, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Quảng Nam sẽ không ngừng phấn đấu, đạt thêm nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng với niềm tin của Trung ương Đảng, Chính phủ và truyền thống trung dũng, kiên cường, bất khuất của người dân xứ Quảng Anh hùng.
Xuân Đương - Quang Vũ