Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngăn chặn tiêu cực trong mua sắm các trang thiết bị y tế

Thứ tư, 29/04/2020 06:29

Chiều 28-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi 12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm không được chủ quan trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường

Chiều 28-4, ngay sau khi chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực lương thực về phương án xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Theo báo cáo của bộ này, năm 2020, cả nước ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ trong nước năm nay đã bao gồm cả dự trữ là khoảng gần 30 triệu tấn. Như vậy, sau khi cân đối, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu là khoảng 13,5 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5 đến 6,7 triệu tấn gạo. Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về phương án từ ngày 1-5 tới, cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo; tiếp tục thực hiện nghiêm việc xuất khẩu gạo qua các cửa khẩu quốc tế, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cần tiếp tục thực hiện theo chiến lược đề ra, phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch và chữa trị hiệu quả. Người đứng đầu cơ sở, tổ chức, địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp đã đề ra theo nội dung Chỉ thị 19; tránh tập trung đông người.

Thủ tướng nhắc lại quy định tiếp tục đeo khẩu trang nơi đông người; đảm bảo an toàn cho người dân, an toàn với dịch bệnh và an toàn giao thông. Hệ thống phòng dịch vẫn tiếp tục hoạt động 100%; triển khai công tác xét nghiệm, phát hiện sớm, điều trị bệnh nhân có hiệu quả, nhất là các đối tượng nghi nhiễm phải được nhân rộng kiểm tra. Về đề nghị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần tạo điều kiện xuất khẩu khẩu trang y tế, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy xuất khẩu trên cơ sở đã có cơ số dự phòng trong nước và đảm bảo chất lượng; tạm dừng mua sắm thuốc điều trị cho tình huống 10.000 người mắc.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương và các ngành cần tập trung xem xét, có giải pháp chống lây nhiễm từ bên ngoài; đồng thời nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội. Khởi động tích cực các ngành nghề kinh tế có hệ số an toàn cao trên cơ sở có phương án phòng dịch đảm bảo. Cần quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép về đảm bảo phòng dịch và phát triển kinh tế xã hội và dịch vụ, Thủ tướng nói và giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xem xét nới lỏng một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khác ở địa phương để phát triển sản xuất kinh doanh tại địa phương. Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hoạt động du lịch trong nước từ ngày 30-4 nhưng không được tổ chức đoàn quá đông.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cần xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ dịch bệnh lây lan trở lại trên diện rộng. Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế cần có biện pháp tăng cường kiểm soát  tại các đường mòn, lối mở, tiến hành cách ly phù hợp theo đặc điểm của địa phương; tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất các khu cách ly, đảm bảo an toàn, chuẩn bị cho các tình huống xấu xảy ra.

Bộ Giao thông Vận tải căn cứ diễn biến dịch và nhu cầu đi lại của nhân dân, hướng dẫn đảm bảo an toàn quyết định tần suất các chuyến bay cũng như các hình thức giao thông khác. Tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh ổn định đời sống nhân dân, nhất là một số ngành đang tăng trưởng quá thấp, khủng hoảng nghiêm trọng như du lịch, dịch vụ và đặc biệt là hàng không. Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện phần mềm liên quan trên điện thoại di động và đề xuất các biện pháp phù hợp.

Thủ tướng lưu ý các địa phương ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong mua sắm các trang thiết bị y tế. Nếu phát hiện tiêu cực, tham nhũng phải chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế phải chú ý đảm bảo chất lượng, gìn giữ uy tín quốc gia.

QUỲNH NHƯ – TTXVN