Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sân bay Long Thành sẽ đóng góp vào sự hùng cường của Việt Nam
Sáng 5-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát lệnh khởi công xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, dự án thành phần 3. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. |
Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Mục tiêu của Dự án là xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Đây là Cảng Hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Trong giai đoạn đầu của dự án sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Giai đoạn 1 của Dự án đã được Quốc hội khóa XIV thông qua. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 109.111 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025. Trong đó, Dự án thành phần 3 (Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện) được giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, thực hiện thẩm quyền của Người quyết định đầu tư với tổng mức đầu tư 99.019 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3 bao gồm: Hạ tầng chung (rà phá bom mìn, san lấp và chuẩn bị mặt bằng, xây dựng hàng rào, giao thông kết nối tuyến số 1, số 2 và các nút giao; đường và bãi đỗ ô-tô, cầu, hầm, cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, viễn thông...); công trình tại khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, đèn hiệu hàng không, hệ thống thiết bị ILS/DME...); sân đỗ tàu bay; hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay; nhà ga hành khách; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe, tòa nhà điều hành Cảng và các công trình phụ trợ khác.
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ áp dụng các công nghệ hiện đại và có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành khai thác theo tiêu chuẩn quốc tế và tương đương; bảo đảm khai thác hiệu quả, chính xác, độ tin cậy cao với đầy đủ chức năng dự phòng, tiết kiệm năng lượng.
Các hạng mục công trình thuộc Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ được xây dựng đồng bộ bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan, bảo đảm mục tiêu, quy mô, công suất, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, hiệu quả đầu tư, không vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt và các ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hạ tầng cơ sở đóng vai trò như mạch máu trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của quốc gia. Chỉ khi có kết cấu vững mạnh mới có thể đón những “đại bàng lớn, những sếu đầu đàn lớn đến làm tổ lâu dài”.
“Một triển vọng kinh tế rất tươi sáng đang chờ đợi chúng ta. Niềm tin xã hội, niềm tin thị trường và đặc biệt là niềm tin các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch đang gia tăng mạnh mẽ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và cho biết, thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đánh giá của Tổ chức hàng không quốc tế ICAO, từ nay đến năm 2030, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến 2025, nhu cầu vận chuyển hàng không Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đạt trên 65 triệu hành khách; năm 2030 đạt trên 80 triệu hành khách. Nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa qua các Cảng hàng không ngày càng lớn trong bối cảnh hạ tầng hàng không chưa được cải thiện đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết các sân bay lớn trên cả nước thường xuyên quá tải. Các hãng hàng không của Việt Nam cơ bản đều khai thác hết công suất.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất trên thế giới. Đây cũng là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của đất nước, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là dự án hạ tầng có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Theo đánh giá, sau khi đi vào hoạt động, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3 đến 5%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp thu các loại máy bay dân dụng lớn nhất, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế, khắc phục tình trạng quá tải tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu đi tăng trưởng của thị trường hàng không, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường khả năng bảo đảm quốc phòng, an ninh.
QUANG VŨ - VĂN VIỆT