Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục xây dựng các thiết chế công đoàn cho công nhân

Thứ sáu, 23/02/2018 10:07

Trong những ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, sáng 22-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ và chúc Tết cán bộ, nhân viên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện các công đoàn ngành.

CPTPP đã được ký kết cấp Bộ trưởng

Tại buổi gặp gỡ, cho biết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết cấp Bộ trưởng và các nước gần như các nước đã đồng thuận, và trong nội dung đàm phán có vấn đề lao động công đoàn, Thủ tướng mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có phương án chủ động, hỗ trợ công nhân lao động rèn luyện nâng cao trình độ, tay nghề. Cùng với đó là đề xuất thể chế pháp luật phù hợp để bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân trong bối cảnh có sự cạnh tranh.

 

Bắt tay ngay vào công việc

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, năm 2017, hệ thống Công đoàn có bước chuyển mình rõ nét. Hoạt động Công đoàn được tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng cấp trên phục vụ cấp dưới, tổ chức Công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và giải quyết kịp thời những bất cập, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của Ban chấp hành công đoàn các cấp trước đoàn viên, người lao động. Đây là bản lề cho năm 2018 - năm Liên đoàn Lao động các địa phương, Công đoàn ngành Trung ương tổ chức Đại hội và đặc biệt là Đại hội lần thứ XII của Công đoàn Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 9-2018.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi ân cần, thân thiết và chân thành nhất tới các cán bộ Công đoàn các cấp.Với tinh thần bắt tay ngay vào công việc sau nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng vui mừng cho biết đang có một khí thế mới của công nhân lao động cả nước, nhất là tại các nhà máy xí nghiệp có lao động trực tiếp đã đi vào sản xuất ngay từ đầu năm. Thủ tướng mong muốn các cấp Công đoàn lưu ý đoàn viên công đoàn, giai cấp công nhân cần cù lao động, thực hiện tốt kỷ luật lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ 2018.

 

Thủ tướng thăm khu giới thiệu một số sản phẩm công nghệ được sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc..

            

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuẩn bị tốt cho chương trình đối thoại giữa Thủ tướng với công nhân lao động khu vực phía Bắc.Cùng với đó, các cấp Công đoàn cần tiếp tục quán triệt tinh thần đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân; khắc phục một số tình trạng xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua như: Ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc rượu trong một số cơ quan đơn vị, bếp ăn tập thể; tai nạn lao động... Thủ tướng mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Đại hội Công đoàn cấp trên cơ sở trong năm 2018 để tiến tới Đại hội Công đoàn toàn quốc. Trong đó, cần đưa vào các đại hội nội dung thảo luận về cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra để đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho giai cấp công nhân Việt Nam, đáp ứng sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong tình hình mới.

Từ thực tế các thiết chế cho công nhân còn ít, Thủ tướng yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp tục xây dựng các thiết chế công đoàn cho công nhân. Chính phủ và các cấp chính quyền luôn bên cạnh phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để các Nghị quyết liên tịch cấp Trung ương và địa phương đều được triển khai, đi vào cuộc sống, phục vụ, bảo vệ giai cấp công nhân Việt Nam.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là nơi khởi nghiệp tốt nhất

Sáng 22-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là lần thứ 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Chuyến thăm diễn ra vào những ngày đầu tiên của Xuân mới Mậu Tuất như một chuyến "xông đất" đầu năm mang ý nghĩa như một Thông điệp của Chính phủ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực công nghệ và phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều tập đoàn lớn, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tính đến hết năm 2017, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã có 81 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 66.174 tỷ đồng trên tổng diện tích 358 ha.Ngoài ra, Ban Quản lý hiện đang thụ lý hồ sơ dự án đầu tư của một số đơn vị tiềm năng trong nước trong việc đầu tư Dự án tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc như Dự án sản xuất các loại sơn công nghệ nano của Công ty TNHH Sơn KOVA với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, dự án của Công ty ETC Holding với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng; đồng thời đang tiếp xúc, đàm phán với Tập đoàn Mitsubishi Chemical, Nhật Bản (với số vốn đầu tư khoảng 92 triệu đô la Mỹ), Công ty Anyone, Hàn Quốc (với số vốn đầu tư khoảng 70 triệu đô la Mỹ), Công ty Kannametal, Hoa Kỳ (với số vốn đầu tư khoảng 15 triệu đô Mỹ).

Đặc biệt, nhân chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Nhật Bản vào tháng 6 năm 2017, Thủ tướng đã gặp gỡ và kêu gọi Tập đoàn NIDEC đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Trên tinh thần ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Quản lý đã tiếp xúc, làm việc, đàm phán và đang thực hiện quy trình cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư giai đoạn 1 cho 2 dự án của Tập đoàn NIDEC với số vốn đăng ký là 400 triệu đô la Mỹ (NIDEC có kế hoạch đầu tư thêm 03 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn tiếp theo).

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ, chuyên viên khoa học công nghệ nước nhà, Thủ tướng bày tỏ hy vọng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là nơi đóng góp quan trọng vào việc phát triển cách mạng công nghiệp 4.0; nơi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.Thủ tướng mong muốn Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ "là nơi khởi nghiệp tốt nhất cho Công nghệ cao của Việt Nam" và sẽ sớm được lấp đầy các hoạt động đầu tư, là trung tâm sản xuất lớn của thành phố, qua đó đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của đất nước, đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế và để người dân được hưởng lợi.                              

P.V