Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần phát huy tinh thần tự lực

Thứ bảy, 16/02/2019 07:34

Chiều tối 15-2, tại TP Huế, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng vùng nhiệm kỳ 2017-2018, thảo luận và thống nhất các hoạt động chính trong nhiệm kỳ 2019 - 2020; ký kết biên bản bàn giao chức vụ Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐMT nhiệm kỳ 2019-2020 cho tỉnh Quảng Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐMT (TT-Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); đại diện Ban Điều phối và Nhóm tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung.

Báo cáo của ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐMT cho thấy, một số kết quả KT-XH của các địa phương trong Vùng đã đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định và đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp và phát triển; tổng mức đầu tư tăng trưởng khá; thu chi ngân sách ổn định và tăng trưởng khá; ngành du lịch (DL) tăng trưởng tốt, tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của toàn Vùng...

Đối với hạ tầng giao thông đô thị, Vùng đã hình thành chuỗi 7 đô thị lớn là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Vạn Tường, Quảng Ngãi và Quy Nhơn; có 4 khu kinh tế (KKT) đang phát triển trải dài trên 609 km bờ biển là KKT Chân Mây - Lăng Cô, KKT mở Chu Lai, KKT Dung Quất và KKT Nhơn Hội, cùng với hệ thống chuỗi khu công nghiệp, khu chế xuất, khai thác lợi thế gần cảng. Nhiều dự án đầu tư, doanh nghiệp lớn được cấp phép và đi vào hoạt động, đóng góp tích cực cho ngân sách và giải quyết việc làm...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian trưng bày tổ chức bên lề Hội nghị giao ban đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Hội đồng Vùng kiến nghị Chính phủ: Các tỉnh miền Trung có vị trí địa lý thuận lợi, là “mặt tiền” của Việt Nam ra biển Đông nên khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, ngành quốc gia cần định hướng nội dung quy hoạch "xây dựng thành phố biển" trong Vùng, đồng thời xác định việc phân vùng và liên kết vùng trong quá trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia bảo đảm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của từng Vùng, trong đó có vùng duyên hải miền Trung. Đặc biệt, cho cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển dài 600 km từ TT-Huế đến Bình Định nhằm đảm bảo đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối và khai thác tốt hơn quỹ đất ven biển của các địa phương, góp phần thực hiện các nhiệm vụ KT - XH, ANQP vùng duyên hải miền Trung; đầu tư, phát triển hệ thống logistics tại khu vực vùng duyên hải miền Trung...

Hội đồng vùng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng Quy chế điều phối, liên kết Vùng duyên hải miền Trung, trong đó, xác định rõ nguyên tắc, nội dung, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng điều phối liên kết vùng duyên hải miền Trung trên cơ sở điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn, thành phần và chế độ làm việc của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo Quyết định 941/QĐ-TTg ngày 25-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐMT thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các tỉnh trong Vùng KTTĐMT có lợi thế về hệ thống hạ tầng giao thông, đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không đều có; tốc độ đô thị hóa rất nhanh so với mặt bằng cả nước. Vì vậy, các tỉnh, thành phố trong Vùng cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường bằng nguồn lực và lợi thế sẵn có của mình.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong Vùng cần phải thay đổi tư duy phát triển để đánh giá đúng mức xem địa phương mình đang ở đâu để có niềm tin vươn lên. Theo Thủ tướng Chính phủ, miền Trung không chỉ phát triển du lịch mà cần phải chú trọng phát triển công nghiệp, chế biến, chế tạo; bên cạnh đó cần phát huy lợi thế vùng miền núi để phát triển nông nghiệp, trồng rừng, bảo vệ môi trường; đặc biệt phải xem việc liên kết phát triển là quan trọng nhất; đầu tư phát triển đường ven biển, đầu tư mở rộng sân bay cần nghiên cứu theo hướng xã hội hóa.

HẢI LAN