Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển Tây Nguyên “Đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững”

Thứ hai, 21/11/2022 08:24
Sáng 20-11, phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, với chủ đề “Phát triển xanh- hài hòa- bền vững” tổ chức tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên; giới thiệu thêm về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển Tây Nguyên; những thành tựu và hạn chế cần khắc phục để phát triển Tây Nguyên xanh- hài hòa- bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa), Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh (trái) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dự Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa), Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh (trái) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dự Hội nghị.

Theo Thủ tướng, Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng; có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song chưa phát triển tương xứng. Do đó cần phải thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả nước. Phát triển Tây Nguyên phải tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển; các vấn đề mang tính toàn dân, toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn dân, toàn cầu; phát triển Tây Nguyên phải mang tính đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong sản xuất, kinh doanh phải đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị; hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù trình Chính phủ để cho làm thí điểm; thực hiện xây dựng quy hoạch với tầm nhìn chiến lược và tư duy đột phá; xây dựng hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục, trong đó xây dựng các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt kết nối Đông- Tây; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các trường Đại học, trường dạy nghề, trong đó có phát triển Trường Đại học Y, các trường đào tạo cán bộ quản lý; tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng; phát triển công nghiệp chế biến gắn với kinh tế nông nghiệp; phát triển văn hóa gắn với du lịch; huy động các nguồn lực vào đầu tư, trong đó có hợp tác giữa Trung ương và địa phương, hợp tác công tư và thu hút đầu tư nước ngoài; xây dựng thương hiệu mạnh cho các sản phẩm của Tây Nguyên.

Về xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải dựa vào quy hoạch, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Tây Nguyên và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, các địa phương phải sớm hoàn thiện và ổn định cơ chế chính sách thu hút đầu tư phù hợp, sát thực tiễn, mang tính khả thi, mang lại hiệu quả. Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.

Theo đó, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; nghiêm túc tuân thủ luật pháp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp... “Không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ mong muốn các nhà đầu tư vào Tây Nguyên “đã nói rồi thì phải làm; đã hứa, cam kết thì phải thực hiện; đã thực hiện phải có hiệu quả; trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương hoàn thiện quy hoạch; thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi, trong đó tiếp tục cắt giảm 10% chi tiêu; hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Đặc biệt, các địa phương phải tăng cường thực hiện tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19 bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân; tiếp tục thực hiện các giải pháp góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cho các động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu...; tăng cường thông tin, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên, góp phần tích cực thúc đẩy du lịch, thu hút đầu tư cho Vùng.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh Tây Nguyên với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng trị giá hơn 5 tỷ USD và 25.000 tỷ đồng tập trung vào các lĩnh vực như: xây dựng các khu công nghiệp, đô thị; xây dựng các tuyến giao thông kết nối; xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần logistic; các công trình thủy lợi; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu; chế biến nông - lâm sản, khai khoáng...

Phạm Tiếp