Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quỹ vaccine phòng COVID-19 là quỹ của sự nhân ái, tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim

Thứ hai, 07/06/2021 06:36

Tối 5-6, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19. Cùng dự sự kiện này có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

Cần 25 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí ước tính hơn 25 nghìn tỷ đồng. Chính phủ quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp cả ở trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách Nhà nước thực hiện hiệu quả “chiến lược vaccine” gồm mua, nhập khẩu vaccine, chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân. Tính đến chiều 5-6, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã tiếp nhận 1.036 tỷ đồng và cam kết ủng hộ 6.600 tỷ đồng.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là một chủ trương của Đảng, Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị để huy động nguồn lực xã hội thực hiện công tác phòng, chống dịch. Cuộc chiến với COVID-19 bằng vaccine phải đi đường dài, phải tiêm cho nhân dân hàng năm.Đảng, Nhà nước hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước nên đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhân dân đã hiểu được sự cố gắng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị bằng trí tuệ, bằng ý chí, sự kiên cường, sự quyết liệt và sự đồng cam cộng khổ, đồng lòng của nhân dân để chúng ta đã đi qua đại dịch hơn 1 năm qua một cách kiên cường, bền bỉ, vẽ nên mảng màu xanh an toàn trên bản đồ thế giới nhuốm màu đỏ, màu vàng sự sợ hãi lây nhiễm và tang tóc của đại dịch đã gây ra trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu nhắn tin ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 của Chính phủ thông qua cổng 1400.

Cần sự chung tay góp sức

Thủ tướng nhấn mạnh, đất nước ta còn khó khăn, Đảng và Nhà nước đã và đang cố gắng nhưng cần sự chung tay góp sức bằng tấm lòng và trái tim của cả cộng đồng, xã hội. Thủ tướng thay mặt Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kêu gọi toàn thể nhân dân đồng lòng cùng chống dịch. Vì mỗi đóng góp đều có ý nghĩa cho sự an toàn hơn cho bản thân, gia đình, cho cộng đồng và cả xã hội.

Thủ tướng nói, Quỹ vaccine là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch COVID-19. Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đồng lòng, đồng hành và chia sẻ để cùng nhau chiến thắng đại dịch, để nhân dân được sống trong ngôi nhà lớn - Việt Nam an toàn, mạnh khỏe và thịnh vượng.

Ngay tại lễ ra mắt, nhiều tổ chức, cá nhân đã trao tiền ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Trong đó, có học sinh, cán bộ hưu trí, chức sắc tôn giáo đã dành một phần thu nhập, tiết kiệm để ủng hộ Quỹ như cụ Nguyễn Mạnh Tường 82 tuổi, cán bộ hưu trí ngành đường sắt; em Lê Đức Hiếu, học sinh Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái, Ba Đình, Hà Nội; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Tổng Giám mục Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam… Có nhiều doanh nghiệp trao hàng trăm tỷ đồng góp vào Quỹ như: Công ty Golf Long Thành ủng hộ 500 tỷ đồng, Tập đoàn Vingroup 480 tỷ đồng; Tổng Công ty Viễn thông Quân đội - Viettel 450 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam mỗi đơn vị 400 tỷ đồng…

Các tổ chức quốc tế đánh giá cao Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO Việt Nam

Theo Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, việc huy động các nguồn lực để nâng cao khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 của Chính phủ Việt Nam rất kịp thời, phù hợp với sáng kiến vaccine toàn cầu. Chính phủ Việt Nam rất nỗ lực để huy động nguồn lực từ ngân sách nhưng thực tế vẫn cần nhiều nguồn lực hơn nữa. Việc Chính phủ quản lý và sử dụng công bằng, hiệu quả nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp tư nhân sẽ mang lại giá trị mới cho chiến lược ứng phó với COVID-19.

"Chính sự đoàn kết này sẽ giúp Việt Nam chấm dứt đại dịch. Hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là một ví dụ cho cách tiếp cận toàn dân trong việc kết thúc đại dịch", Tiến sĩ Kidong Park nhấn mạnh.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng: "Đây là một sáng kiến hay, là điều Liên Hợp Quốc đã ủng hộ trong nhiều tháng nay". Dưới góc độ của Liên Hợp Quốc, ông Kamal Malhotra cho rằng chỉ nên có một quỹ ở tầm quốc gia, đặt dưới sự giám sát tổng thể và sự chỉ đạo của Chính phủ, thay vì có nhiều quỹ cạnh tranh nhau.

Chúc mừng Chính phủ Việt Nam ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19, bà Carollyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nhanh và hiệu quả là biện pháp cần thiết và quan trọng để đảm bảo an toàn cho người dân, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Bà Carollyn Turk tin tưởng, Chính phủ Việt Nam đang có bước đi đúng đắn trong việc đẩy nhanh việc tiếp cận vaccine phòng COVID-19 cho mỗi người dân.

Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, việc lập quỹ là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể ứng phó với dịch COVID- 19 của Việt Nam. "Điều này cho thấy, Chính phủ đã nắm bắt được đầy đủ về nhu cầu, cần phải có những bước đi nhanh hơn nữa. Đây là điều rất tích cực", Đại sứ Giorgio Aliberti chia sẻ.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, UNDP đã thực hiện một nghiên cứu về trải nghiệm của người dân về dịch COVID-19. "Kết quả cho thấy sự ủng hộ thực sự rộng khắp của người dân Việt Nam đối với các quyết sách phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ".

TTXVN – VGP