Thú vị check in ngôi nhà 5 thế hệ ở cù lao sông Trà

Thứ hai, 12/04/2021 20:32

Thỉnh thoảng về vùng nông thôn vẫn có thể bắt gặp những ngôi nhà rường cổ 100-200 năm tuổi. Còn tìm lại những ngôi nhà nông thôn được xây dựng bằng xi măng, mang phong cách của ngôi nhà cách đây hơn 100 năm là điều không dễ. Ở xóm Lân, xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi vẫn còn lưu giữ 1 ngôi nhà từ thời Pháp thuộc. Điều đặc biệt là 5 thế hệ trôi qua và vẫn sống ở ngôi nhà này.

 Ngôi nhà xi-măng được xây dựng từ thời Pháp thuộc và vẫn được gia đình ông Từ Ngọc Dưỡng sử dụng để ở.

Xóm Lân, xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi là ngôi làng nằm trên cù lao sông Trà. Nhiều du khách trên đường từ trung tâm TP Quảng Ngãi ra đảo Lý Sơn thường trầm trồ ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc cầu tre nằm sát tuyến đường bờ bắc sông Trà dẫn ra một xóm nhỏ dày đặc lũy tre. Chiếc cầu tre đó trở thành cảm hứng sáng tác của nhiều thợ săn ảnh. Đoàn làm phim từ TP Hồ Chí Minh từng lưu lại xóm Lân để mượn bối cảnh chiếc cầu làm cảnh quay cho một bộ phim về nông thôn.

Rất nhiều người từng đến xóm Lân, nhưng cũng chỉ dừng lại ở cây cầu xinh đẹp bắc qua nhánh sông dẫn vào làng quê yên bình. Nhưng nếu đi qua chiếc cầu này, lặn hẳn vào lũy tre làng dày đặc, đi len sâu vào xóm Lân thì sẽ tìm ra được nhiều điều thú vị. Đập vào mắt là những ngôi nhà bị bỏ hoang, cửa đóng chặt, cây cối um tùm. Người dân địa phương cho biết, 20 năm trước, ngôi làng này nằm trong diện phải di dời toàn bộ vì thường bị lũ trên sông Trà đe dọa. Những ngôi nhà bị bỏ hoang và vương nét hoài cổ là nơi chủ nhân đã rời bỏ cù lao để vào trong làng định cư. Tuy nhiên vẫn còn một số ít các hộ dân trụ lại để sống với nghề sông nước, không thể dứt bỏ phận đời sáng, chiều, tối đều bì bõm với sông Trà.

Ngôi nhà khiến tôi bị “níu chân” và lưu lại lâu nhất, đó là nhà của ông Từ Ngọc Dưỡng. Ngôi nhà này có dáng dấp khá giống những ngôi nhà mà tôi từng được xem trong các bộ phim công chiếu về Việt Nam thế kỷ 19. Nếu đây là ngôi nhà rường gỗ thì tôi không dành sự chú ý đặc biệt đến vậy. Bởi vì ngôi nhà này là điểm kết nối khi người Việt Nam ở vùng nông thôn bắt đầu chuyển đổi từ nhà tranh vách đất, nhà rường cột gỗ sang nhà xi măng hiện đại.

Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà 3 gian, nhưng gian chính dài hơn những ngôi nhà bình thường, khu chái nhà, tức nhà ngang là nơi nấu ăn, để lúa gạo, củ; gian nhà trên đặt bàn thờ tổ tiên bên trái, bàn thờ bên phải thờ Quan Thánh đế quân. Nếu khách vào nhà thì  không đi cửa nhà trên, mà đi từ cửa bên hông, gọi là cửa bổn mạng, sau đó vòng lên nhà trên, đi qua 2 bàn thờ, tới ngồi uống trà tại 2 vị trí, nếu là khách quý thì ngồi trên tấm phản gỗ đặt trước bàn thờ, còn nếu là khách bình thường thì đi vào cửa hông và ngồi ở bàn nước nằm bên nhà ngang, trước phòng ngủ của chủ nhà.

Chỉ là một ngôi nhà cổ trong xóm, nhưng tại sao lại được tôi lưu tâm sâu? Bởi vì, ngôi nhà này đã trải qua 4 thế hệ và sắp sang thế hệ thứ 5. Tuy nhiên, mọi người không xem ngôi nhà này là nơi chỉ để thờ phụng ông bà, mà cuộc sống vẫn diễn ra hàng ngày dưới ngôi nhà cổ. Có mấy lý do khiến ngôi nhà này tồn tại một cách may mắn, đó là khu vực xóm Lân thuộc diện phải di dời đi nơi ở mới, nên người dân không xây dựng nhà, thứ 2 nữa là gia cảnh của chủ nhà rất nghèo, vì vậy dù là nhà cổ, dù cột kèo có chỗ đã mục, nhưng chủ nhà vẫn xưa sao, nay vậy chứ không sửa chữa nhiều.

Ngôi nhà may mắn tồn tại đến ngày nay vì nằm ở giữa cù lao sông Trà.

Ông Từ Ngọc Dưỡng (66 tuổi) cho biết, do cuộc sống ở xóm Lân buồn tẻ, mùa mưa thì nước lũ vây quanh, vì vậy 2 người con trong nhà cũng như nhiều thanh niên đã vào miền Nam lập nghiệp và định cư, xóm Lân chỉ còn phần nhiều là người già; ngôi nhà này không rõ năm xây dựng, nhưng ước tính cũng xấp xỉ 150 năm và cho đến nay hầu như vẫn giữ được nguyên vẹn như thời mới làm, chỉ có vài kết cấu phải thay đổi, đó là mái tranh được lợp ngói, nền nhà được lát gạch hoa từ thời bao cấp.

Ông Huỳnh Hưng Thuận, 71 tuổi, một người yêu văn hóa và am hiểu về nhà cổ tại Quảng Ngãi cho biết, dấu hiệu đặc trưng đầu tiên dễ nhận ra nhà cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đó là gạch trên hè được lát nằm dựng đứng, nhìn chiều ngang của ngôi nhà dài hơn những ngôi nhà cổ thời Pháp thuộc từng tồn tại tới sau năm 1975 thì ngôi nhà này dài hơn, chứng tỏ trong quá khứ, chủ nhân của ngôi nhà này là người khá giả nhất trong làng thì mới có tiền làm nhà dài đến 4 cửa. Về nền nhà thì ông Thuận cho biết, nguyên nền là tro đốt từ cỏ tranh, sau đó trộn với đất sét và nện, nền nhà có màu xám đen, láng, rất sạch sẽ, không thấm nước.

Trong quá khứ, khi y học chưa phát triển thì tại mỗi làng quê đều có 1 thầy lang bốc thuốc và kiêm luôn nghề cúng. Các thầy cúng có thu nhập tốt hơn nên thường xây dựng được những ngôi nhà bằng xi măng vững chãi, nằm giữa ngôi làng chiếm phần nhiều là nhà tranh, một số ít là nhà rường của các địa chủ, trọc phú. Ngôi nhà cổ này nằm giữa cù lao sông nên có số phận “trường thọ”. Các nhà làm phim từng nhiều lần đến cù lao sông để quay bối cảnh làng quê từ cây cầu tre. Nhưng nếu mượn thêm bối cảnh ngôi nhà cổ thời Pháp thuộc thì sẽ tái hiện được 1 phần hình ảnh Việt Nam trong quá khứ.

LÊ VĂN CHƯƠNG