Thừa Thiên - Huế: Nhà cửa tốc mái, tàu thuyền bị nhấn chìm

Thứ hai, 16/11/2020 06:50

Đến chiều tối 15-11, chính quyền và người dân TT-Huế vẫn tiếp tục khẩn trương bắt tay khắc phục hậu quả bão 13 gây ra trên địa bàn. H.Phú Vang là một trong những địa phương ảnh hưởng nặng nề nhất do bão số 13. Theo ghi nhận của P.V, tại H.Phú Vang, đến ngày 15-11; nhiều nơi nước lũ vẫn còn ngập sâu, mọi giao thông đi lại đều chia cắt. Tại xã Phú Thanh nước lũ vẫn còn bao vây, CAH Phú Vang đã phải sử dụng ca nô về địa bàn kịp thời có biện pháp khắc phục, giúp dân ban đầu. Tuyến QL49 từ TP Huế đi về các xã ven biển vẫn còn nhiều nơi ngập sâu.

Một dãy phòng học ở Trường Tiểu học Phú Thuận (H.Phú Vang) bị tốc mái.

Ông La Phúc Thành- Bí thư Huyện ủy Phú Vang (TT-Huế) cho biết, bão số 13 đã khiến cho nhiều xã, thị trấn biển của huyện bị thiệt hại nặng. Rất may, huyện không có thiệt hại về người và chỉ có 2 người bị thương. Qua thống kê bước đầu, có hơn 2.100 nhà dân tốc mái, trong đó có nhiều nhà tốc mái hoàn toàn. Nhiều trường học ở xã Phú Thuận, Phú Hải,Phú Dương, Phú Hồ… (H.Phú Vang) bị tốc mái, trụt ngói, hư hỏng phòng học. Bờ biển Thuận An về Vinh An tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, chiều rộng xâm thực vào bờ từ 5- 20 mét. Đặc biệt là tại Vinh An và Vinh Thanh trong các đợt mưa bão trước không bị sạt lở, nhưng trong cơn bão số 9 và số 13 bị sạt ở nghiêm trọng. Theo ghi nhận của P.V, ngay sau khi bão đi qua, hàng chục cán bộ, chiến sĩ CAH Phú Vang cùng lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội đang khắc phục, dọn cây ngã, đổ để khơi thông các tuyến đường.

Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP TT-Huế cho biết, bão số 13 đã gây ảnh hưởng đến khu vực biên giới biển của tỉnh. Hàng chục tàu, thuyền bị chìm khi đang neo đậu tránh bão; nhiều tàu, thuyền đâm va, mắc cạn. Đặc biệt, do gió to, nước lên cao nên tàu TTH.99911. TS của ngư dân Nguyễn Cường (trú TT Thuận An đang neo đậu tránh bão tại TDP Hải Tiến) bị đứt dây neo buộc, đâm vào nhà bà Lê Thị Xuyến, làm nhà bà Xuyến sập tại chỗ, không có thiệt hại về người), Chỉ tính riêng tại âu thuyền thôn Hải Tiến, TT Thuận An có 9 tàu bị chìm, gồm: TTH 99865 của ông Mai Văn Đê, TTH93456TS của ông Mai Văn Rê, TTH94444 của ông Trần Văn Kiếng, TTH 92116TS của ông Nguyễn Bàu, TTH 91345TS của ông Nguyễn Bí, TTH 91345TS của ông Phan Lũy, TTH 99696TS của ông Lê Văn Bi, TTH 42429TS của ông Phạm Văn Chàng và ghe của ông Trần Cượng bị gãy đôi. Tại xã Phú Thuận, tàu TTH 92366 TS của ông Phạm Văn Cường bị đứt dây neo, sóng đánh dạt lên bờ tàu TTH 99999 TS của ông Trần Văn Chiến (sóng đánh tàu dạt vào đập Hòa Duân), tàu TTH 92099TS của Trần Phi (bị chìm)…

Chiều 15-11, QL49A từ TP Huế về các xã, thị trấn H.Phú Vang (TT-Huế) vẫn mênh mông nước.

Tại TP Huế, mặc dù trước những cơn bão liên tiếp vừa qua, cây xanh đã được cưa cành và chằng chống nhưng do sức gió lớn của bão số 13 vẫn khiến cây xanh ở nhiều tuyến đường gãy đổ. Cây xà cừ được đánh số 13 ở đường Trần Hưng Đạo, TP Huế- là một trong những cây xà cừ có tuổi đời lâu năm nhất ở TP Huế. Rạng sáng 15-11, sức gió mạnh của bão số 13 đã khiến cây này bật gốc ngã xuống bên đường. Cây bật gốc đã đè gãy một trụ đèn bên đường. “Cụ” cây này bật gốc khiến nhiều người dân ở Huế tiếc nuối vì hình ảnh quen thuộc này đã gắn bó với họ hàng chục năm qua.

Cũng như đường Trần Hưng Đạo, tình trạng cây xanh gãy đổ còn xảy ra ở nhiều tuyến đường khác tại TP Huế. Từ tối 14-11 đến trưa 15-11, ảnh hưởng của bão số 13 đã gây mất điện trên diện rộng ở TT- Huế. Hiện, hơn ngàn cán bộ, chiến sĩ của CA TT-Huế, BĐBP TT-Huế, CHQS tỉnh cùng với hàng trăm phương tiện ô-tô, ca nô, tàu, xuồng… xuống địa bàn nắm tình hình, giúp dân khắc phục hậu quả sau bão. Đến chiều 15-11, tỉnh TT-Huế vẫn đang tập trung lực lượng, giúp dân khắc phục hậu quả bão số 13. Qua thống kê bước đầu, toàn tỉnh có hàng ngàn nhà dân tốc mái, nhiều trường học, cơ quan, nhiều diện tích rau màu hư hại. Hiện, thiệt hại do bão số 13 vẫn đang được thống kê.

H.LAN