Thừa Thiên - Huế phát triển mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững

Thứ sáu, 14/04/2017 07:30

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-4, Tỉnh ủy TT-  Huế, khóa XV đã họp hội nghị lần thứ 7, bàn các nội dung về các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; về phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đến năm 2020.

Hội nghị thống nhất nhận định: Sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO),  tốc độ tăng trưởng kinh tế TT-Huế cao hơn trung bình của cả nước (10,10%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và phù hợp với những lợi thế so sánh của tỉnh về phát triển du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục; tỷ trọng trong GDP của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 19,68% năm 2007 xuống còn 10,50% năm 2016, của ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 31,85% năm 2007 lên 32,60% năm 2016, của ngành dịch vụ cũng tăng lên đáng kể từ 48,47% năm 2007 lên 56,9% năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4,4 lần, đạt 2.020 USD vào năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 717 triệu USD, tăng gấp 8,5 lần; các lĩnh vực văn hóa, y tế, xóa đói giảm nghèo đều có những tiến bộ, an ninh quốc phòng được giữ vững.  Đặc biệt, các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 140 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 64.300 tỷ đồng, trong đó có 35 dự án FDI với vốn đăng ký 1.740 triệu USD. Vốn đầu tư thực hiện đến nay đạt hơn 17.000 tỷ đồng, chiếm 26,8% vốn đăng ký; trong đó, riêng năm 2016 khoảng 2.100 tỷ đồng, đạt 42,0% kế hoạch đề ra.

Thời gian tới, TT-  Huế cần phát triển mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh, ưu tiên phát triển mạnh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, có hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, có hàng hóa quy mô lớn. Một mặt, tỉnh nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); mặt khác, TT-  Huế thực hiện một số chính sách có tính chất đột phá như: Phát triển mạnh doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu mới.  Bên cạnh đó, tỉnh  tập trung phát triển và thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Thực hiện cơ chế đối ứng hợp tác công- tư để doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các dự án đổi mới công nghệ, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Tỉnh phấn đấu tăng chỉ số đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đến năm 2020 đạt trên 30%...

H.L