Thừa Thiên - Huế với những giải pháp giải bài toán thiếu giáo viên

Thứ hai, 29/08/2022 17:55
Đến thời điểm này, Thừa Thiên - Huế đã đảm bảo các điều kiện sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, năm học mới này, Thừa Thiên- Huế vẫn thiếu giáo viên (GV), nhất là GV các bậc học Mầm non (MN),  Tiểu học (TH) và GV các môn Âm nhạc, Mỹ thuật phục vụ cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (sau đây gọi tắt là CTGDPT mới) với lớp 10 THPT.  Để giải quyết bài toán thiếu GV này, ngành GD - ĐT Thừa Thiên- Huế đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cơ bản đội ngũ GV phục vụ dạy-học cho năm học mới 2022-2023.         
Các trường học vệ sinh môi trường chuẩn bị cho năm học 2022-2023.
Trường TH Vinh Hưng 2 đón HS lớp 1 tựu trường năm học mới 2022-2023.

Từ thực trạng

Dù có Trường Đại học Sư phạm Huế - cái nôi đào tạo đội ngũ GV chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Trường ĐH Nghệ thuật và Học viện Âm nhạc đóng chân trên địa bàn, thế nhưng, trong năm học mới này, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn đối mặt với tình trạng thiếu GV. Một trong số những địa phương đó là thị xã Hương Thủy.

Theo phản ánh của bà Ngô Thị Ái Hương - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hương Thủy, công tác tuyển GV TH trên địa bàn này đang gặp khó khăn. “Nhu cầu tuyển không bao giờ đủ. Mới đây, chỉ tiêu của ngành giáo dục tuyển 30 GV, nhưng chỉ có 15 người nộp hồ sơ. Lý do, số sinh viên ngành Sư phạm tốt nghiệp trên địa bàn đăng ký thi tuyển không nhiều, các địa bàn lân cận lại càng khó tuyển dụng”- bà Ái Hương cho hay.

Không riêng gì Hương Thủy, nhiều địa phương khác trong tỉnh hiện cũng đang thiếu GV, tập trung ở cấp bậc MN, TH, THCS. Bên cạnh một số trường diễn ra tình trạng thiếu GV cục bộ do có người nghỉ hưu, sinh con, nghỉ bệnh thì một trong những nguyên nhân khiến Thừa Thiên - Huế thiếu GV là do công tác dự báo, tính toán nhu cầu của các địa phương chưa sát, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế... Mặc khác, một bộ phận GV chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục; nhất là, vẫn còn 1.600 giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định… Đặc biệt hơn cả, năm học mới này là năm đầu tiên triển khai CTGDPT mới đối với lớp 10 THPT với điểm mới, ngoài các môn học bắt buộc, học sinh (HS) được chọn 5 môn học tự chọn, trong đó có môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Đây là hai môn học hoàn toàn mới ở bậc THPT. Đó là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GV ở Thừa Thiên- Huế.

Các trường học vệ sinh môi trường chuẩn bị cho năm học 2022-2023.

Đến những giải pháp

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho hay, Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các tỉnh, trong đó yêu cầu các Sở tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu GV còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học từ nay đến năm 2026. Từ đó, có báo cáo gửi GD-ĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế GV trong tổng số biên chế GV bổ sung đến năm 2026 để bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Đây là thuận lợi để ngành có cơ sở tham mưu UBND tỉnh trong việc bổ sung biên chế đội ngũ GV thời gian tới.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng thiếu GV trong năm học mới này, ngành GD-ĐT cũng như các cơ sở trường học đã chủ động xây dựng nhiều phương án để điều chỉnh việc thừa, thiếu GV. Chẳng hạn, đối với những môn học ít số tiết, lại ít lớp thì không nhất thiết phải có một biên chế bộ môn đó; hoặc như cách làm của Phòng GD-ĐT TP Huế: “Ngoài việc được phân bổ chỉ tiêu biên chế GV cho năm học mới này, ngành cũng đã có sự điều chỉnh cho hợp lý như luân chuyển GV từ vùng thừa sang vùng thiếu; luân chuyển GV từ trường lớn về các trường nhỏ để nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý; điều chuyển GV ở các trường mới mở rộng để phân bố về các trường ở Trung tâm TP Huế.

Đối với việc thiếu GV 2 môn học tự chọn: Âm nhạc, Mỹ thuật trong CTGDPT mới lớp 10 THPT, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh chọn 2 giải pháp: hoặc hợp đồng GV hoặc chủ động xây dựng phương án không tổ chức triển khai dạy học 2 môn học này trong năm học mới 2022-2023… Đơn cử như trường THPT Chuyên Quốc học, dù hiện tại không có GV ở 2 môn học này, nhưng vẫn đưa vào trong tổ môn tự chọn trong năm đầu tiên triển khai CTGDPT mới ở lớp 10. Ông Nguyễn Phú Thọ- Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học cho hay: “Môn Mỹ thuật và Âm nhạc là hai môn mới mà CTGDPT mới đưa vào. Đối với trường chuyên, hai môn này rất cần thiết trong việc phát triển toàn diện cho HS. Vì vậy, năm học này chúng tôi sẽ đưa hai bộ môn này vào tổ hợp môn tự chọn. Nếu khó khăn về GV thì vẫn có thuận lợi vì Huế có Học viện Âm nhạc và Trường ĐH Nghệ thuật…”.

Liên quan đến vấn đề thiếu GV 2 môn năng khiếu này trong CTGDPT mới sẽ triển khai đối với lớp 10 trong năm học mới này, ông Nguyễn Tân- Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngành đã liên hệ với các đơn vị đào tạo mở lớp bồi dưỡng cho GV dạy Âm nhạc và Mỹ thuật. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các phòng GD-ĐT rà soát GV có chuyên môn để giới thiệu cho các trường THPT. Tuy nhiên, cũng theo ông Tân, việc tổ chức triển khai 2 bộ môn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Cụ thể, ngoài đội ngũ GV còn phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị. Do đó, một số trường chưa đủ điều kiện thì từng bước xây dựng kế hoạch để triển khai trong những năm học kế tiếp. Còn về vấn đề thiếu GV dạy Mỹ thuật, Âm nhạc, Sở có lộ trình tuyển dụng, thực hiện các kỳ tuyển dụng bổ sung kể cả thu hút nguồn GV ngoài tỉnh. Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, trên địa bàn tỉnh có Trường ĐH Sư phạm Huế, Học viện Âm nhạc Huế và Trường ĐH Nghệ thuật. Đây là những thuận lợi của Thừa Thiên- Huế khi triển khai dạy học các môn học mới theo CTGDPT mới.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị, trong năm học mới này ngành GD-ĐT cần tập trung triển khai các Nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển giáo dục; rà soát mạng lưới trường lớp đảm bảo có tầm nhìn, dự báo tốt và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Cần phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường xã hội hóa, cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục; nghiên cứu phương án đổi mới hình thức tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học; đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số ngành Giáo dục.

Hầu Tỷ