TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Thuận tình ly hôn, tòa án có xem xét nguyện vọng của con không?

Thứ tư, 05/06/2024 15:36

*Bạn đọc hỏi: chị Nguyễn Thị T., trú Q.Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), hỏi: Tôi và chồng tôi kết hôn ngày 24/7/2012, có đăng ký kết hôn tại UBND phường Mỹ An (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Sau khi kết hôn, chúng tôi chung sống hạnh phúc được một thời gian thì phát sinh mâu thuẫn do những bất đồng sâu sắc về nhiều vấn đề trong cuộc sống nên thường xuyên cãi vã và làm tổn thương lẫn nhau. Do không thể sống chúng với nhau được nữa nên tôi và chồng đã sống ly thân từ đầu năm 2021. Từ khi ly thân đến nay, vợ chồng tôi không còn ai quan tâm, chăm sóc tới nhau nữa. Nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn và không thể tiếp tục chung sống với nhau nên chúng tôi muốn chấm dứt mối quan hệ này. Chúng tôi có 2 con chung, cháu N. sinh ngày 7/3/2014 và cháu H. sinh ngày 20/4/2016. Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau về việc nuôi con, tôi sẽ nuôi cháu H., còn chồng tôi sẽ nuôi cháu N. Vì không muốn các con chịu tổn thương nên chúng tôi không muốn các con biết về việc giải quyết ly hôn của Tòa án. Do đó, mặc dù đã thỏa thuận về việc nuôi con và không yêu cầu Tòa án giải quyết nhưng tôi rất lo việc Tòa án sẽ hỏi ý kiến các cháu. Cho tôi hỏi khi chúng tôi ly hôn thuận tình và không yêu cầu giải quyết việc nuôi con thì Tòa án có chấp nhận thỏa thuận nuôi con của chúng tôi hay phải xem xét đến nguyện vọng của hai con chúng tôi?

Luật sư Phan Thụy Khanh.
Luật sư Phan Thụy Khanh.

*Luật sư Phan Thụy Khanh – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners – Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

Ly hôn là câu chuyện buồn không ai mong muốn, nhất là đối với những đứa con - đối tượng dễ bị tổn thương và ảnh hưởng nhất khi cha mẹ chia tay. Mặc dù ly hôn, nhất là ly hôn thuận tình, là giải pháp văn minh khi vợ, chồng không thể tiếp tục chung sống với nhau nữa nhưng hậu quả của ly hôn là môi trường sống, học tập, sinh hoạt, điều kiện phát triển… của những đứa con sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, pháp luật tôn trọng quyền ly hôn của vợ, chồng nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho con cái, đảm bảo điều kiện sống của con cái ít bị ảnh hưởng nhất. Vì vậy, để quyết định giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng, ngoài các căn cứ về điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt, học tập, phát triển, sự quan tâm chăm sóc mà cha, mẹ có thể đem lại cho con, thì việc xem xét nguyện vọng của con khi cha, mẹ ly hôn là rất quan trọng. Pháp luật quy định về vấn đề này thế nào?

Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”

Theo thông tin chị T. cung cấp, vợ chồng chị cùng yêu cầu ly hôn và thỏa thuận với nhau về việc nuôi con. Do đó, nếu xét thấy hai bên thực sự tự nguyện ly hôn và thỏa thuận hợp lý về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận cho vợ chồng chị thuận tình ly hôn.

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn.
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ, chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của con, pháp luật cũng quy định rõ: đối với con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Trường hợp chị T., mặc dù anh chị đã thỏa thuận với nhau rằng chồng chị sẽ nuôi cháu N. sinh năm 2014 (10 tuổi), chị nuôi cháu H. sinh năm 2016 (8 tuổi), nhưng hai cháu đều đã trên 7 tuổi nên Tòa án sẽ xem xét đến nguyện vọng của hai cháu về việc muốn sống cùng cha hay mẹ và các vấn đề liên quan khác. Như đã phân tích ở trên, ngoài việc xem xét điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt học tập, sự quan tâm chăm sóc của cha, mẹ dành cho con, thì để đảm bảo tốt nhất điều kiện sinh hoạt và phát triển cho các cháu sau khi cha mẹ ly hôn, Tòa án sẽ xem xét ý kiến, nguyện vọng của hai cháu, có thể bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản hoặc mời hai cháu đến Tòa án để trao đổi trực tiếp. Điều này thể hiện tính nhân văn của pháp luật trong việc giải quyết các vấn đề về nhân thân, đặc biệt thể hiện sự quan tâm đến việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Đối với lo lắng của chị T. về việc Tòa án xem xét ý kiến của các con có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý các cháu, pháp luật cũng đã có quy định, hướng dẫn rất cụ thể; một lần nữa thể hiện tính nhân văn của pháp luật đối với các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP quy định về Giải quyết việc nuôi con khi ly hôn quy định tại Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể như sau.

“2. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình và khoản 3 Điều 208 của Bộ luật Tố tụng dân sự phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, độ tuổi, mức độ trưởng thành để con có thể bày tỏ đúng và đầy đủ ý kiến của mình;

b) Không lấy ý kiến trước mặt cha, mẹ để tránh gây áp lực tâm lý cho con;

c) Không ép buộc, không gây áp lực, căng thẳng cho con”.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425