Thực hiện bài bản, quy củ chương trình dạy - học của Bộ GD-ĐT

Thứ tư, 05/09/2018 07:25

Sáng nay (5-9), cùng với cả nước, hơn 254 ngàn HS ở các cấp bậc học TP Đà Nẵng tề tựu về trường để dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2018-2019. Trong không khí ngày đầu năm học mới, Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng xung quanh một số vấn đề về GD-ĐT của TP.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng.

P.V: Xin ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm được ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng ưu tiên đặt lên hàng đầu trong năm học mới 2018-2019?

Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Nhiệm vụ chính yếu được ngành ưu tiên đặt hàng đầu trong năm học mới 2018-2019 là thực hiện bài bản, quy củ chương trình dạy học do Bộ GD-ĐT quy định ở tất cả khối lớp. Trong đó, hết sức chú ý ở khối lớp 1. Bởi đây là năm học cuối cùng thực hiện chương trình SGK cũ đối với lớp 1. Năm học tới sẽ thay đổi chương trình SGK lớp 1 mới. Vì thế, không thể buông lỏng công tác quản lý, theo dõi công tác dạy - học được. Nếu không, các em HS lớp 1 sẽ bị thiệt thòi. Không chỉ giáo viên (GV), bản thân phụ huynh (PH) cũng sẽ có tâm lý sao nhãng...

Ngoài ra, 2 nhiệm vụ mũi nhọn cũng được ngành GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh trong năm học này là: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT; nâng cao hơn nữa chất lượng dạy - học ngoại ngữ trong các trường học. Cụ thể, ngành tiếp tục triển khung kiến trúc ứng dụng CNTT giai đoạn 2017-2020; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án dạy và học ngoại ngữ các cấp học.

P.V: Từ câu chuyện thiếu GV, cơ sở vật chất ở một số nơi vẫn chưa hoàn thiện trước thềm năm học mới, theo ông cần có giải pháp căn cơ nào để những năm học tiếp theo không còn tái diễn “điệp khúc” này?

Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Theo tôi, giải pháp quan trọng và căn cơ nhất đó là cần định được thời gian phải hoàn thành, sau đó tính lộ trình ngược lại để công bố thời gian thi tuyển giáo viên, lên lịch mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất. Nói khác đi, trước tiên phải đóng dấu mốc về thời gian phải hoàn thành, sau đó xây dựng lộ trình để thực hiện bài bản nhằm hoàn thành mốc thời gian đã định. Làm sao để từ ngày 25 đến 30-8 hằng năm phải hoàn thành dứt điểm các vấn đề liên quan đến đội ngũ GV, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Mặt khác, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, phải chủ động công tác quy hoạch xây dựng mạng lưới trường lớp theo hướng phải dự báo được tình hình phát triển, tăng dân số; đảm bảo sự cân đối giữa việc đầu tư xây dựng trường công lập với trường tư thục. Bởi thực tế, tốc độ tăng dân số hàng năm luôn tăng. Theo đó, cần quy hoạch mạng lưới trường lớp quy củ, ưu tiên dành quỹ đất cho ngành GD-ĐT. Điều này cũng đã được lãnh đạo TP khẳng định tại các buổi làm việc với ngành.

Đối với việc tuyển dụng GV, cần thông báo sớm về thời gian tuyển dụng cũng như lộ trình tuyển dụng. Có một thực tế đáng lưu tâm là, hàng năm, SV ngành Sư phạm tốt nghiệp ra trường vào tháng 6 và chưa được cấp bằng chính. Để tạo điều kiện cho đối tượng này có cơ hội dự tuyển GV, tới đây, ngành sẽ trao đổi với Sở Nội vụ về cách thức như có thể tiếp nhận trước giấy chứng nhận tốt nghiệp do trường ĐH cung cấp, bổ sung bằng tốt nghiệp sau. Làm thế nào đó để công tác thi tuyển, công bố trúng tuyển phải đảm bảo đến ngày 25-8 có đủ GV về các trường. Và điều này, theo tôi, hoàn toàn có thể thực hiện được.  

P.V: Trước những vụ việc tiêu cực liên quan đến GD-ĐT xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, đạo đức nghề giáo, ngành GD-ĐT TP có giải pháp gì trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục mà vẫn đảm bảo “học thật, thi thật”?

Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Căn bản nhất là phải thực hiện việc công bố kế hoạch năm học ngay từ đầu năm, trong đó có kế hoạch cụ thể của từng tuần một (từ ngày 5-9 của năm này đến 31-8 của năm sau). Việc công bố này nhằm tạo tính chủ động trong xây dựng kế hoạch và thực hiện công việc đối với cán bộ, GV, HS, giảm áp lực chờ đợi không cần thiết của PH, tạo tính kết nối và hệ thống trong công tác quản lý, điều hành của toàn ngành từ Sở xuống cơ sở tất cả đều chủ động.

Theo đó, trước thềm năm học mới này, ngành đã công bố hàng loạt quy định, kế hoạch của năm học. Cụ thể, công tác trọng tâm năm học 2018-2019 ở các bậc học mầm non, tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp và đại học tính từ thời điểm 1-9-2018 đến 31-8-2019; trong đó đã kết nối và hệ thống công tác chỉ đạo chung của tất cả các phòng, ban, sở. Đây là cơ sở để các đơn vị toàn ngành nắm bắt và triển khai kế hoạch cụ thể của đơn vị mình thêm sát hơn, là cơ sở để PH, HS chủ động nắm bắt thông tin của ngành. Đồng thời Sở cũng đã công bố dự thảo quy định tuyển sinh các lớp đầu cấp 1-6-10, tuyển sinh vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm học 2019-2020, trong đó khẳng định hình thức tuyển sinh như các năm học trước, học sinh vẫn dự thi 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. So với quy định tuyển sinh năm học 2018 – 2019, có những điểm mới sau: Bỏ quy định cộng điểm khuyến khích đối với thí sinh có giấy chứng nhận nghề phổ thông; thay đổi thời gian tuyển sinh vào lớp 10 THPT và chuyên Lê Quý Đôn là ngày 2,3,4-6-2019; thay đổi hình thức thi tuyển đối với các môn ngoại ngữ: Thi tuyển với chương trình tiếng Nhật; tuyển thẳng đối với chương trình tăng cường tiếng Pháp; miễn thi và công nhận điểm 10 đối với các chứng chỉ quốc tế còn giá trị sử dụng...

Kèm theo đó là việc thi thử, việc kiểm tra, công bố điểm... của ngành GD-ĐT TP được ý thức thực hiện quy củ nề nếp từ nhiều năm nay, kết quả sẽ tự trả lời.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi! 

P.THỦY (thực hiện)