Thực phẩm Tết-nỗi lo muôn thuở (Kỳ 2: Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm)

Thứ ba, 30/01/2018 22:00

Thời gian gần đây, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân được biết nhiều người kinh doanh vì muốn có lợi nhuận cao, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, đưa ra thị trường những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, độc hại... đã khiến không ít người phải nhập viện vì bị ngộ độc.

Số lượng thực phẩm “bẩn” bị cơ quan chức năng phát hiện.

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc rượu

Trong năm 2017, trên địa bàn TP Đà Nẵng xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 52 người mắc. Nguyên nhân chủ yếu là nhiễm vi khuẩn E.Coli vượt mức cho phép và ăn cá nóc. Dù trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận vụ ngộ độc rượu nào nhưng nguy cơ tiềm ẩn rất lớn, nhất là vào cao điểm Tết. Bởi đây là thời điểm thường xuyên diễn ra những cuộc liên hoan, tất niên, mừng xuân đón Tết. Nhất là những cuộc nhậu ngoài hàng quán nếu không kiểm soát được nguồn rượu, uống phải rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp nguy cơ ngộ độc rượu rất lớn. Theo Sở Công Thương thành phố, Đà Nẵng hiện có hơn 370 hộ sản xuất kinh doanh rượu thủ công, tuy nhiên con số được cấp phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh chỉ dừng lại ở 2 doanh nghiệp và 3 cơ sở, số còn lại là tự phát, nhỏ lẻ… Đến nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng methanol, cồn công nghiệp để sản xuất, pha chế rượu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc kiểm soát rượu “3 không” (không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không thành phẩm) đang gặp không ít khó khăn. Do giá rẻ, nhiều người đã chọn sử dụng rượu “quê” không rõ nguồn gốc… Điều đáng nói là hầu hết các cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn thành phố là cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất bằng phương pháp thủ công, truyền thống nên các điều kiện về máy móc, trang thiết bị lạc hậu, cơ sở vật chất xuống cấp, không đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP). Sản phẩm rượu được chứa đựng trong bao bì không có nhãn mác, không được công bố chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hàng hóa đi vào thành phố bằng nhiều con đường khác nhau, thủ đoạn làm giả sản phẩm rượu ngày càng tinh vi nên công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh rượu giả, nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ còn gặp nhiều khó khăn… Đặc biệt, việc kiểm tra các loại rượu hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, hầu như mới chỉ dừng lại ở mức độ trực quan, còn về chất lượng nếu nghi ngờ lực lượng chức năng phải lấy mẫu gửi đến các trung tâm kiểm nghiệm để kiểm tra mất rất nhiều thời gian; trong khi đó, ngành chức năng không được niêm phong hoặc yêu cầu người bán hàng dừng bán khi chưa có kết quả. Chính vì vậy, các loại rượu giả, rượu nhái, rượu kém chất lượng vẫn có cơ hội tràn ra thị trường...

Chỉ trong năm 2017, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP liên tục phát hiện và thu giữ số lượng lớn rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đơn cử, trong tháng hành động vì ATTP, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, tịch thu hơn 4.400 chai rượu các loại, 32 lít rượu không có nguồn gốc,… Ngoài ra, đoàn kiểm tra liên ngành các quận, huyện đã kiểm tra hàng chục cơ sở sản xuất rượu thủ công, tất cả đều không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cơ sở vật chất hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ… Mới đây, Phòng CSĐTTP về Kinh tế - CATP Đà Nẵng phá một vụ nhập lậu 1.038 chai rượu ngoại. Trước đó, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh nước giải khát của Công ty TNHH MTV DANA - Hưng Thịnh (P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ). Qua đó phát hiện 115 thùng bao bì giấy chứa 2.875 chai rượu bầu đá loại 0,5 lít/chai và 360 chai loại 1 lít/chai. Toàn bộ số rượu trên đều không được dán tem theo quy định. Cùng ngày, tại nhà số H123/24 - kiệt 1 Phạm Như Xương (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu), lực lượng QLTT cũng phát hiện 1.709 chai rượu đủ loại gồm rượu Vodka Hà Nội, rượu bầu đá… và 2 can rượu trắng, mỗi can 30 lít không rõ nguồn gốc...

Mặc dù đã có nhiều lời cảnh báo về rượu “3 không” và tác hại của tình trạng ngộ độc rượu đối với sức khỏe, nhưng không ít người vẫn phớt lờ, tiếp tục lạm dụng rượu, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc để rồi rước họa vào thân. Trong thời gian qua, đa phần những trường hợp ngộ độc methanol tại các tỉnh thành khác là do uống phải loại rượu trắng “3 không” trôi nổi ngoài thị trường. Một bác sĩ tại BV Đà Nẵng cho rằng: “Không chỉ bị ngộ độc rượu methanol, nhiều trường hợp cũng phải nhập viện do lạm dụng rượu thông thường. Nhiều “ma men” nghĩ rằng say rượu không nguy hiểm, nhưng họ đã nhầm. Thực tế, say rượu chính là biểu hiện của việc bị ngộ độc rượu, tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí mất mạng”. Rượu, bia không chỉ gây ngộ độc mà còn là nguyên nhân gián tiếp của hàng trăm loại bệnh và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh ung thư. Càng uống nhiều rượu thì nguy cơ gây ung thư càng cao.

Các du khách bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại bệnh viện.

Hoảng sợ với thịt bẩn

Thịt gia súc, gia cầm, nấm, bột nêm, bột ngọt, măng tươi, giá đỗ là thực phẩm chủ yếu trong các bữa cơm của gia đình. Tuy nhiên, hiện nay “thịt gia súc, gia cầm… bẩn” đang được bày bán tràn lan tại các chợ, tuyến đường trên địa bàn TP Đà Nẵng, người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn. Điều đáng sợ là họ không lường hết được hậu quả của nó lên sức khỏe người dùng. Năm 2017, CATP Đà Nẵng, nòng cốt là lực lượng CS Môi trường đã điều tra, phát hiện 92 vụ vi phạm về VSATTP, tịch thu 8,4 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối, 800 kg giá đỗ, 356 ống thuốc kích thích tăng trưởng và 55 kg hóa chất của Trung Quốc, 120 kg chả có chất cấm, 1 tấn thức ăn chăn nuôi giả, 750 kg măng tươi có hóa chất cấm Vàng Ô, 70 kg bắp chuối xắt đã ngâm hóa chất, 300 kg sản phẩm động vật chết do bệnh. Đồng thời, tịch thu 55 gói bột nêm, 15 gói bột ngọt và hơn 13.000 bao bì bột ngọt giả, chuyển mục đích sử dụng 6 cá thể động vật (bò) bị bơm nước cưỡng bức. Bên cạnh đó, Đội CS Kinh tế - Môi trường CAQ các quận, huyện phát hiện 40 vụ vi phạm, tịch thu 2 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối; 300 kg sản phẩm động vật chết do bệnh, chuyển mục đích sử dụng 6 cá thể động vật (bò) bị bơm nước cưỡng bức. Điển hình, ngày 8-12-2017, tại nhà kho thuộc tổ 34 (P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ) do ông Đặng Thanh Phương (45 tuổi, trú tổ 36, P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ) làm chủ, lực lượng CATP và CAQ Cẩm Lệ đã phát hiện gần 15 tấn phế phẩm động vật như heo, bò đang ở thời kỳ đầu phân hủy. Trước đó, CAQ Liên Chiểu bất ngờ kiểm tra hành chính nhà bà Nguyễn Thị T. (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu). Tại đây, nhân viên trong nhà đang chế biến số lượng lớn nội tạng bẩn… Tất cả những sản phẩm nếu được tung ra thị trường sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng.

Theo một cán bộ Sở Y tế TP Đà Nẵng, nguy cơ mất ATVSTP dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 là điều khó tránh khỏi. Bởi đây là thời điểm nhiều chủng loại thực phẩm được chế biến từ các cơ sở, cá nhân, các hộ gia đình không chuyên nghiệp, không đăng ký kinh doanh có cơ hội “len lỏi” vào thị trường. Bên cạnh đó, thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện “lý tưởng” cho thực phẩm bị nhiễm nấm mốc gây bệnh và tồn tại lâu ngày trong thực phẩm như thương hàn, vi khuẩn... Vì thế, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm rất cao…

(còn nữa) 
TRÍ DŨNG