Thực phẩm Tết- nỗi lo muôn thuở (Kỳ cuối: "Cuộc chiến" còn nhiều cam go)
Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng đã thành lập 5 đoàn công tác, trong đó 4 đoàn ở tuyến quận/huyện, liên quận/huyện với có sự tham gia của lực lượng cơ sở. Riêng đoàn cấp thành phố có sự phối hợp của Phòng Cảnh sát Môi trường - CATP Đà Nẵng, Chi cục Quản lý thị trường - Sở Công thương và các đơn vị liên quan.
Lực lượng liên ngành kiểm tra cơ sở vi phạm về ATTP và thu giữ lượng lớn thực phẩm "bẩn". |
Khó nhận biết thực phẩm an toàn và không an toàn
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Trưởng Ban QLATTP TP, hiện nay một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ tuyến quận, huyện quản lý còn vi phạm về điều kiện đảm bảo ATTP như: cơ sở nhà xưởng xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, cũ kỹ. Ngoài ra, nguồn hàng thực phẩm nhập vào thành phố bằng nhiều con đường khác nhau với số lượng rất lớn, đa dạng, chất lượng chưa rõ, trong khi một bộ phận đáng kể người dân thành phố thu nhập còn thấp, có xu hướng lựa chọn thực phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng... Cũng theo ông Tiến, việc phát hiện thực phẩm mất an toàn chủ yếu thông qua kiểm nghiệm, tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu cơ quan thanh tra, kiểm tra cần lấy mẫu kiểm nghiệm để có cơ sở xử lý vi phạm nhưng chưa có phòng kiểm nghiệm được chỉ định.
Cụ thể, chỉ tiêu Natri benzoat đã được phát hiện một số cơ sở sử dụng trong chế biến chả thịt, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phòng kiểm nghiệm nào trong nước được chỉ định thử nghiệm. Đồng thời, khả năng kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của các phòng thí nghiệm được chỉ định tối đa 96 chỉ tiêu hóa chất thuốc BVTV. Trong khi đó trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc BVTV với nhiều hoạt chất khác nhau nên khó khăn trong công tác kiểm soát ATTP đối với sản phẩm rau - củ - quả. Đặc biệt, việc kiểm định mẫu thực phẩm phục vụ công tác xử lý phải được thực hiện tại phòng thí nghiệm do cơ quan có thẩm quyền chỉ định; tuy nhiên, tại Đà Nẵng số phòng thí nghiệm được chỉ định rất ít và năng lực kiểm định được một số ít chỉ tiêu trong thực phẩm, một số chỉ tiêu hóa chất cấm tuy được chỉ định kiểm định nhưng hàm lượng phát hiện rất cao... Việc ban hành các qui chuẩn, tiêu chuẩn cho từng nhóm mặt hàng, các chất cấm sử dụng trong thực phẩm chưa kịp thời gây khó khăn trở ngại đến quá trình phát hiện xử lý các hành vi vi phạm...
Ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng Ban QLATTP TP khẳng định: hiện nay bên cạnh nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP, cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn thì vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm ra thị trường chưa đáp ứng các quy định về ATTP. Điều này đã làm cho người tiêu dùng lo lắng, không biết đâu là thực phẩm an toàn và không an toàn.
Lực lượng chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng ATTP của các sản phẩm. |
Quyết liệt vào cuộc xử lý vi phạm
Ông Nguyễn Tứ - Phó Trưởng Ban QLATTP TP cho biết, ngay từ đầu tháng 1-2018, Ban QLATTP TP đã thành lập các đoàn thanh kiểm tra các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh, kẹo, mứt, hạt dưa, rượu, bia, nước giải khát, thịt và các sản phẩm từ thịt... Đặc biệt, các lực lượng chú trọng phối hợp kiểm tra các nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như các chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm... nhằm hạn chế, loại trừ tại gốc các hàng hóa không đảm bảo ATTP tung ra thị trường. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cùng với việc phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, lực lượng chức năng cũng sẽ tuyên truyền, nhắc nhở người kinh doanh nâng cao ý thức kinh doanh, có trách nhiệm với người tiêu dùng, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Tứ cho rằng, vấn đề thanh kiểm tra công tác đảm bảo ATTP đã và đang được Ban QLATTP TP tập trung thực hiện một cách quyết liệt.
Ngoài việc kiểm tra về điều kiện kinh doanh, việc chấp hành các quyết định của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thì các đoàn còn tiến hành lấy mẫu giám sát. Qua kiểm tra, phát hiện các cơ sở vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác hoặc có các vi phạm lưu thông trên thị trường hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống không bảo đảm điều kiện ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa có thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả... "Quyết tâm của chúng tôi là tập trung cho công tác thanh tra, kiểm tra với tinh thần là xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, không xuê xoa. Quan điểm của lãnh đạo Ban QLATTP TP là quyết liệt tổ chức thanh kiểm tra và làm đến đâu chắc đến đó, thể hiện được tính răn đe mạnh mẽ chứ không xuê xoa. Mục đích cuối cùng là không để ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân 2018", ông Nguyễn Tứ khẳng định.
Song song với đó, Ban QLATTP TP cũng tập trung kiểm tra, giám sát nguồn hàng rau-củ-quả và thủy sản nhập từ các tỉnh về Đà Nẵng tại chợ Đầu mối Hòa Cường và chợ thủy sản Thọ Quang. Qua đó nhằm kịp thời phối hợp với các địa phương để cảnh báo, ngăn chặn nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn kiểm tra; cũng như có biện pháp xử lý nghiêm các sản phẩm vi phạm... Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc kiểm tra của các cơ quan chức năng vẫn còn hình thức. Chẳng hạn số hộ gia đình tham gia sản xuất thực phẩm thì đông, nằm rải rác khắp nơi trong thành phố, còn lực lượng chức năng không có khả năng "lùng sục" tận hộ gia đình để kiểm tra VSATTP. "Một xã hội muốn có được thực phẩm an toàn thì đòi hỏi người sản xuất, kinh doanh phải "có tâm". Bởi nếu người sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà gian dối thì không có cơ quan nào có thể giám sát hết được. Vấn đề cốt lõi để có được thực phẩm an toàn là người sản xuất, kinh doanh phải có tâm thật sự", ông Tứ khẳng định.
Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang đến gần, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng, mỗi người dân trước hết hãy là những người tiêu dùng thông minh. Phải kiên quyết nói không với những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không dễ dãi với những thực phẩm kém chất lượng, mua hàng hoá ở những nơi có uy tín... là cách để người dân tự bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình. Đối với người sản xuất thực phẩm, cần nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, không sử dụng các loại hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm, quy trình chế biến thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh, không nên vì một chút lợi nhuận mà sản xuất, kinh doanh những mặt hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. "Trong "cuộc chiến" chống lại tình trạng mất ATVSTP, thái độ của người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu mọi người cùng đồng lòng "tẩy chay" các loại thực phẩm kém chất lượng, lựa chọn các thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng thì sức khỏe của người dân sẽ được bảo đảm, an toàn hơn", ông Tứ nhấn mạnh.
TRÍ DŨNG