Thuê người lừa đảo hơn 53 tỷ đồng

Thứ bảy, 25/03/2017 11:49

(Cadn.com.vn) - Sau một lần hoãn phiên tòa vì lý do khách quan, vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng do 3 bị can Nguyễn Thị Thủy Lộc, Đàm Thị Bé và Nguyễn Thị Bích Loan thực hiện đã được TAND tỉnh Lâm Đồng lên lịch xét xử sơ thẩm vào sáng 30-3.

Chủ mưu Nguyễn Thị Thủy Lộc và Bé, kẻ vào vai cán bộ ngân hàng.

Giả danh cán bộ ngân hàng lừa tiền tỷ

Những tháng cuối năm 2014, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Lâm Đồng nhận được đơn của nhiều bị hại tố cáo bà Nguyễn Thị Thủy Lộc (1978, trú 17A-Nguyễn Đình Chiểu, P. 9, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) bằng thủ đoạn gian dối đã lừa đảo, chiếm đoạt của họ với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Xác định đơn tố cáo là có căn cứ, CQĐT CA tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và đến ngày 19-12-2014 thì ra các quyết định khởi tố các bị can Nguyễn Thị Thủy Lộc, Đàm Thị Bé (còn gọi Vy, 1987, trú thôn Chơ Ré, xã Đa Quyn, H. Đức Trọng) và Nguyễn Thị Bích Loan (1989, trú 12/2-Đồng Tâm, P. 4, TP Đà Lạt) để điều tra. Ngay sau khi ra các quyết định khởi tố bị can, CQĐT lần lượt bắt tạm giam các nghi can.

Đối tượng chủ mưu trong vụ án này được xác định là Nguyễn Thị Thủy Lộc - làm nghề kinh doanh hoa. Đầu năm 2011, biết bà N.T.X.L. (trú P.2, TP Đà Lạt) có tiền nhàn rỗi, Thủy đặt vấn đề vay để đầu tư đáo hạn ngân hàng. Được hứa hẹn trả khoản lãi hấp dẫn nên từ tháng 1-2011 đến tháng 10-2012, bà L. đã cho Thủy vay tổng cộng 20 tỷ đồng (lãi được gộp vào tiền gốc). Đến cuối năm 2012, bà X.L. đòi nhưng Lộc khất lần.

Để tháo gỡ tình thế đang rất nguy cấp, Lộc nghĩ ra một kế mà nghi can này cho rằng tất cả các bị hại đều phải sập bẫy. Lộc nhờ bạn tìm giúp một người có thể vào vai cán bộ ngân hàng một cách hoàn hảo nhất. Đàm Thị Bé - một tiếp viên karaoke được Lộc lựa chọn. Người mà Bé vào vai là chị T. (hiện đang làm việc tại ngân hàng V.), con của một đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng. Nhiệm vụ của Bé là tham gia giao dịch với khách hàng đáo hạn và tiền công mà đối tượng nhận được sẽ bằng số tiền khách trả như khi Bé đi làm quán karaoke (200 đến 500 ngàn đồng/lần tham gia giao dịch). Lộc dẫn Bé đi mua một bộ quần áo vest giống đồng phục của ngân hàng V., cung cấp thông tin cá nhân của chị T. và yêu cầu Bé phải học thuộc. Lộc cũng không quên dặn Bé phải mặc bộ vest, trang điểm cho đẹp và đưa cả điện thoại cho Bé dùng mỗi khi đi giao dịch.

Bé được giao nhiệm vụ tiếp cận bà X.L. và làm đủ chiêu trò để bà X.L. tin rằng số tiền Lộc vay của bà L. đang nằm trong ngân hàng. Lần đó, tại một quán cà-phê trên đường Hoàng Văn Thụ, Bé đã vào vai chị T. một cách hoàn hảo. Lần này Bé đưa cho bà X.L. xem tờ giấy xác nhận 11,2 tỷ đồng của bà đã được đầu tư vào ngân hàng V. để đáo hạn. Từ chỗ nghi ngờ, bà X.L. quay sang tin tưởng, tiếp tục giao tiền cho Lộc. Trước và sau mỗi lần giao tiền, Bé đều gọi điện hoặc nhắn tin cho bà X.L. để xác nhận số tiền đã được sử dụng vào việc đáo hạn. Định kỳ hằng tháng Bé giao cho bà X.L. danh sách hồ sơ khách hàng đáo hạn ngân hàng, cụ thể ngày, tháng đáo hạn và số tiền lãi.

Một mình Bé chưa đủ, Lộc nhờ Bé tìm giúp một người nữa có thể vào vai cán bộ của một ngân hàng khác. Nguyễn Thị Bích Loan (nhân viên phục vụ quán karaoke) được Lộc chấm chọn để vào vai chị T.T. - Trưởng phòng Tín dụng ngân hàng E. Cũng như với Bé, Lộc may cho Loan bộ đồng phục ngân hàng E., yêu cầu Loan phải học thuộc thân thế, gia cảnh của chị T.T. Lộc đưa Loan đến giới thiệu với bà X.L. và bà X.L. lại tin tưởng, tiếp tục giao tiền cho Lộc. Đến tháng 6-2014, tiền đã đưa quá nhiều nhưng không thấy hoàn trả, bà X.L. đòi rát thì Lộc chỉ đạo Bé và Loan lấy lý do “tình hình biển Đông phức tạp, xin khất nợ”. Tính đến thời điểm này, số tiền mà Lộc đã chiếm đoạt của bà X.L. là hơn 28 tỷ đồng.

Song song với việc giăng bẫy lừa bà X.L., với sự giúp sức vào vai cán bộ ngân hàng của Bé và Loan, Lộc đã lừa của 3 bị hại khác cũng với lý do vay tiền đáo hạn ngân hàng là bà Ng.T.M.T. (trú P.2, TP Đà Lạt) hơn 19,5 tỷ đồng; bà C.T.T. (trú P.9, TP Đà Lạt) gần 2,2 tỷ đồng; bà P.T.M.H. (trú P.9, TP Đà Lạt) hơn 6,2 tỷ đồng. Đến ngày 31-5-2014, khi đã mất khả năng chi trả, toàn bộ tài sản đã được thế chấp ngân hàng nhưng Lộc vẫn lừa được thêm 2 người nữa cũng với lý do đáo hạn ngân hàng, cam kết trả trong 3 ngày là ông Đ.V.N. (trú TT Liên Nghĩa, H. Đức Trọng) và bà N.T.H. (trú P.9, TP Đà Lạt) gần 1,5 tỷ đồng.

Lòng vòng chối tội

Kết thúc điều tra, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Lâm Đồng đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến VKSND tỉnh để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 3 bị can Nguyễn Thị Thủy Lộc, Đàm Thị Bé và Nguyễn Thị Bích Loan. Cáo trạng do VKSND tỉnh Lâm Đồng lập ngày 19-9-2016 thể hiện, tổng số tiền mà Lộc với sự giúp sức của Bé và Loan đã lừa đảo chiếm đoạt của 6 nạn nhân là hơn 53,69 tỷ đồng. Riêng Bé lừa của 2 bị hại P.T.M.H. và C.T.T. số tiền hơn 3,577 tỷ đồng. CQĐT cũng xác định, với nhiệm vụ vào vai các cán bộ ngân hàng, Bé đã được Lộc trả công 43,3 triệu đồng, Loan được trả 26 triệu đồng.

Câu hỏi được đặt ra là, bằng cách nào mà cả 6 nạn nhân cả tin đến mức giao cho Lộc hàng chục tỷ đồng? Một cán bộ điều tra lý giải, với mức lãi suất mà bị can Lộc đưa ra quá hấp dẫn nên ngoài khoản tiền có sẵn trong gia đình, các nạn nhân đã vay mượn ngoài xã hội để hưởng chênh lệch lãi suất. Đến khi biết rõ Lộc cùng Bé và Loan đã giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, tất cả các nạn nhân đã rất sửng sốt. “Tôi đã rất cẩn thận kiểm tra từ nhiều nguồn thông tin, kể cả điện thoại đến ngân hàng V. để hỏi thăm và được biết đúng là có cô T. - con gái của một Phó Bí thư Tỉnh ủy đang làm việc tại đây nên đâu còn nghi ngờ gì nữa” - một nạn nhân kể lại.

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản từng làm xôn xao dư luận Đà Lạt chuẩn bị được đưa ra xét xử. Những bản án nghiêm khắc sẽ được tòa tuyên và đó là cái kết không mấy tốt đẹp cho cả bị cáo lẫn người bị hại.

Đức Huy