Thương cảng xứ Quảng một thuở phồn vinh (Kỳ 1: Thương cảng xưa xứ Quảng)
Cách đây không lâu, trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng (từ ngày 6 đến 11-11-2017), có một sự kiện vô cùng độc đáo làm gợi nhớ lại một thời kỳ phồn vinh của những thương cảng xưa đất Quảng. Đó là việc khai trương mô hình Châu ấn thuyền do tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) tặng thành phố Hội An, với sự chứng kiến của Thủ tướng Abe Nhật Bản cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại quảng trường sông Hoài, TP Hội An (sau đó được trưng bày tại "Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản"), nhằm đánh dấu bước phát triển bền chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt- Nhật đã có từ hơn 400 năm trước.
Mô hình Châu ấn thuyền do tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) tặng TP Hội An. |
Châu ấn thuyền là loại thuyền buồm thương mại của Nhật Bản được cấp phép thông hành có dấu triện đỏ đi tới các cảng Đông Nam Á trong thời Mạc phủ Tokugawa nửa đầu thế kỷ XVII. Trong số 71 chiếc Châu ấn thuyền cập bến Hội An (kể từ khi chúa Nguyễn Hoàng ở Đàng Trong đặt quan hệ với Mạc phủ Tokugawa cho đến lúc Tokugawa ra lệnh bế môn tỏa cảng), nhiều thương nhân Nhật Bản đã đến Hội An giao thương, đặt nền móng cho mối bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản trong quá khứ cho đến ngày nay. Điều thú vị, tại buổi lễ, đám cưới của Công nữ Ngọc Hoa cùng thương nhân Nhật Araki Sotaro (một trong những thương nhân sang buôn bán tại Hội An và được chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả nghĩa nữ là Công Nữ Ngọc Hoa vào năm 1619) cũng được tái hiện diễn ra trên mô hình Châu ấn thuyền.
Được biết, đầu tiên, phía chính phủ Nhật Bản có ý định tặng mô hình Châu ấn thuyền cho thành phố Đà Nẵng để trưng bày tại Công viên APec (bởi trong quá khứ, bằng những thuyền này, từ cảng thị Hội An, các thương lái Nhật Bản đi qua sông cổ Cò, Đà Nẵng để phát triển công việc làm ăn), nhưng do một số trở ngại khách quan nào đó, nên họ làm việc với Hội An thay cho Đà Nẵng.
Thương cảng Hội An - một thuở vàng son
Nhắc lại sự kiện nói trên, để một lần nữa, chúng ta cần khẳng định, những hoạt động của các thương cảng xưa của xứ Quảng vẫn còn vang bóng và tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế của đất nước trong bối cảnh hòa nhập thế giới hiện nay.
Theo những tài liệu lịch sử phổ biến, vào thế kỷ IX và X, dưới thời vương quốc Chăm-pa, Hội An có tên gọi Lâm ấp Phố đã từng là một thương cảng phát triển, với các thương thuyền đến từ Arab, Ba Tư, Trung Quốc... Nhờ đặc điểm sông nước thuận lợi cùng với nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, một lần nữa, đến thế kỷ XVI, từ một "Chiêm cảng" bị suy tàn, thương cảng Hội An lại hồi sinh và phát triển hưng thịnh. Đây là giai đoạn vô số thương nhân các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Xiêm (Thái Lan), Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... tấp nập tới Hội An để thực hiện giao thương, biến nơi này trở thành trung tâm điều phối cho các thương cảng miền Trung như Thanh Hà (Huế), Thị Nại (Bình Định) và cùng với các cảng Đồng Nai, Sài Gòn, Hà Tiên... trở thành những thương cảng trọng yếu ở Đàng Trong. Hơn thế nữa, với vai trò là trung tâm liên vùng, Hội An đã cùng với Goa (Ấn Độ), Ayuthaya (Siam), Malacca (Malaysia), Batavia (Indonesia), Lyzon (Philippines)... nối kết với Formosa (Đài Loan), Macao, Hạ Môn (Trung Quốc), Pusan (Hàn Quốc) tạo nên một hệ thống thương mại hoàn chỉnh của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XIX , do một số yếu tố bất lợi khác nhau như chính sách bế quan tỏa cảng của vua Nguyễn, đồng thời sự xuất hiện của Đà Nẵng và đầu tư của Pháp vào thương cảng này đã khiến cho Hội An suy thoái dần và đánh mất đi vị thế của mình.
Thương cảng Đà Nẵng
Cần lưu ý, từ các thế kỷ XVI, XVII, khi Thương cảng Hội An đang phát triển rực rỡ, thuyền buôn nước ngoài đã qua lại cửa biển Đà Nẵng; thông qua con sông Cổ Cò nối sông Hàn với sông Thu Bồn, cảng Đà Nẵng đã trở thành một "tiền cảng" của Hội An, một cửa ngõ quan trọng đón đưa những thương thuyền của các nước như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc... ra vào phố Hội. Đến đầu thế kỷ XVIII, vị trí tiền cảng của Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở Châu Âu phát triển với những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu, ra vào vịnh Đà Nẵng dễ dàng hơn. Cảng Đà Nẵng với các yếu tố thiên thời, địa lợi của mình đã vươn lên trở thành một hải cảng lớn của đất nước, thay thế vị trí của thương cảng quốc tế Hội An.
Đà Nẵng trong "Ô Châu cận lục" không phải là một địa danh hành chính mà chỉ là tên gọi của một cửa biển. Các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến cả Tự Đức nghiêng về ý nghĩa phòng thủ của nơi này hơn là phát triển Đà Nẵng thành một đô thị sầm uất. Vì vậy mà thời kỳ này Đà Nẵng được gọi là một "tấn", tức là một vị trí trọng yếu phòng thủ. Cho đến khi Pháp khai hỏa xâm chiếm thì Đà Nẵng vẫn chỉ là một vị trí, một địa bàn chiến lược về quân sự và chưa từng là một địa danh chỉ đơn vị hành chính.
Năm 1835, khi vua Minh Mạng có dụ: "Tàu Tây chỉ được đậu tại Cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán" thì Đà Nẵng trở thành một thương cảng lớn bậc nhất miền Trung. Tiểu thủ công nghiệp địa phương phát triển mạnh với những nghề sơ chế nông lâm hải sản; dịch vụ thương mại cũng phát đạt và đặc biệt là ngành sửa chữa tàu thuyền. Năm 1901, thực dân Pháp chính thức khởi công xây dựng cảng Đà Nẵng nhằm phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương. Cảng Đà Nẵng trở thành một hải cảng quan trọng trong hệ thống quân cảng và thương cảng của thực dân Pháp và sau này là chính thể VNCH.
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Văn Xuân khi nhắc đến những tiềm lực của các thương cảng xưa trên đất Quảng thường tiếc nuối, về việc người Anh đã từng nhắm đến Cù Lao Chàm và Đà Nẵng trước cả Hồng Kông. Công ty Đông Ấn của nước này đã đến Hội An vào năm 1613. Sự giao thiệp thất bại. Sau đó họ ra Bắc, rồi trở lại Đàng Trong nhiều lần vẫn thất bại. Nhà văn Nguyễn Văn Xuân nêu rõ: "Ba lần Anh đặt vấn đề Đà Nẵng - Cù Lao Chàm trước Hồng Kông và đều không thành. Nhưng Anh chưa chịu rút lui hẳn. Sau khi quân Pháp bắn phá toàn hạm đội tàu đồng của ta ở vịnh Đà Nẵng năm 1874 (vua Thiệu Trị có lẽ bị xúc động mãnh liệt và mất vào năm ấy) người Anh liền lợi dụng thời cơ đặt lại vấn đề Đà Nẵng. Đặt câu hỏi giá như các vua Nguyễn chấp nhận các đề nghị của người Anh để biến khu vực này thành cơ sở thương mại vào những năm 1804 hoặc 1821-1822 thì liệu nước ta có một số mệnh khác như thế nào?" (Cù Lao Chàm và Đà Nẵng với người Anh, KH&PT số 55-56,1998).
(còn nữa)
TRẦN TRUNG SÁNG