Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2017: Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy

Thứ tư, 08/11/2017 09:29

Trong khuôn khổ các hoạt động Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, ngày 7-11, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2017 với chủ đề: “Việt Nam- Đối tác kinh doanh tin cậy” chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Ariyana, Đà Nẵng. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dự và có bài phát biểu.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị VBS.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Trước hơn 2.000 DN trong nước và nước ngoài dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước, trong đó quy mô thị trường xếp thứ 31/137 nước. Ngoài ra, mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam là 68/190 quốc gia, tăng 14 bậc so với năm 2016. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017, Việt Nam tăng hạng lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc so với 2016). Vì vậy, Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện mình để tiếp tục là “đối tác kinh doanh tin cậy”, đầy triển vọng trong cộng đồng DN quốc tế cũng như của các nền kinh tế thế giới.

“Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, DN; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. Trên cơ sở đó, Thủ tướng chỉ ra 3 nhiệm vụ quan trọng trong thời gian đến. Đó là tập trung vào cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững; Phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp; Thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế...

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam cho rằng, với chủ đề: “Việt Nam- Đối tác kinh doanh tin cậy”, VBS sẽ tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường kinh doanh, như những thay đổi trong cải cách môi trường kinh doanh, định hướng những thị trường mới nổi và các cơ hội hội nhập và kinh doanh. “Ngày nay, với một Việt Nam đang đổi mới, đầy sinh lực, chúng tôi cũng có thể nói với thế giới rằng: Việt Nam không chỉ là một đất nước đang phát triển mạnh mẽ, mà còn là một đối tác kinh doanh tin cậy. Việt Nam chào đón các bạn và “thành công của các bạn, của các nhà đầu tư nước ngoài chính là thành công của đất nước chúng tôi”, ông Lộc gửi gắm.

 Đại biểu tham dự Hội nghị. 

“Vốn” kinh doanh lớn nhất là trí tuệ Việt

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đều đánh giá cao bản chất và trí tuệ của Việt Nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Là người mang dòng máu Việt, Giám đốc điều hành WEF, cựu Phó Thủ tướng Đức - TS Philipp Rosler cho rằng, tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải hạ tầng, công nghệ, tài nguyên mà là người dân - đó chính là những người trẻ đầy năng lượng, nhiệt huyết và trí tuệ trong công cuộc phát triển đất nước.

Là người từng làm việc nhiều năm tại Việt Nam trên cương vị Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhận định, tài sản lớn nhất của Việt Nam là con người, con người Việt Nam có nghị lực trí tuệ vươn lên mạnh mẽ. “Việt Nam đã chỉ rõ được quyết tâm của mình trong quá khứ và mục đích đạt được, tương lai sẽ mang cho Việt Nam những thách thức và cơ hội. Việt Nam đang hiện đại hóa thể chế, con người và điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao trong tương lai không xa. Tôi rất vui khi được tham dự Hội nghị này. Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được các mục đích về tăng trưởng và trở thành đất nước phát triển trong tương lai không xa” - bà Victoria Kwakwa bày tỏ.

Bà Victoria Kwakwa cũng cho rằng, Việt Nam phải có sự tham gia mạnh mẽ hơn của kinh tế tư nhân và tiếp tục đẩy mạnh hơn việc cải cách cơ chế chính sách cho kinh tế tư nhân phát triển. Chỉ có kinh tế tư nhân phát triển mới là động lực cho quốc gia hưng thịnh. “Việt Nam phải tiếp tục đầu tư cho con người bằng nền giáo dục tốt hơn trong nền công nghiệp 4.0, đẩy mạnh giáo dục đại học chất lượng hơn, tạo ra một môi trường giáo dục mạnh mẽ hơn, các trường Đại học có tính tự quản cao hơn và cạnh tranh với nhau. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của nền kinh tế, từ đó mang lại cơ hội bình đẳng trong cuộc sống”, bà Victoria Kwakwa lưu ý.

Cũng đề cập đến vấn đề này, từ thực tiễn thành công trong hoạt động kinh doanh của mình, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True milk cho rằng, để thành công trong kinh doanh phải dựa vào giá trị cốt lõi là trí tuệ Việt. Bên cạnh đó, phải biết sử dụng tài nguyên thiên nhiên Việt kết hợp với công nghệ tiên tiến của thế giới. Bà Hương dẫn chứng, năm 2008 có đến 92% thị phần sữa của Việt Nam là nhập khẩu và đến hôm nay sau 6 năm Việt Nam đã xuất khẩu sữa qua một số quốc gia khác trong đó có cường quốc Nga.

Theo ông Lê Hữu Vinh, một doanh nhân từ Singapore về đầu tư tại Đà Nẵng cho rằng, Việt Nam rất nhiều người giỏi, lập nghiệp thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới và điều này đều được cả thế giới công nhận. Nay được Chính phủ tạo “sân chơi”, tạo cơ hội thì bản thân DN chúng tôi tự bứt phá đi lên không kém khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Chủ tịch VCCI trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị.

Đà Nẵng điểm hấp dẫn các nhà đầu tư!

Bên lề Hội nghị, các đại biểu và nhà đầu tư đều nhận định Đà Nẵng có môi trường đầu tư thân thiện, thu hút nhiều doanh nhân trong và ngoài nước. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, Đà Nẵng như là trái tim kinh tế, đầu tàu kinh tế của miền Trung. Đà Nẵng được DN trong nước xếp vị trí thứ 2 để đầu tư và vị trí thứ 4 đối với các DN nước ngoài. Đặc biệt, sau sự kiện APEC nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế sẽ để mắt đến Đà Nẵng nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Cty CP Truyền thông và Đầu tư Nam Hương (TPHCM) cho biết: “Nói đến Đà Nẵng, tôi ngưỡng mộ cách đây từ 10 năm, nhất là ngưỡng mộ cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, người xây dựng và kiến tạo Đà Nẵng và đến các thế hệ lãnh đạo sau này. Đà Nẵng đã có bước phát triển rất vượt bậc, môi trường kinh doanh cũng được cải thiện rất rõ nét. Tôi nhìn thấy Đà Nẵng như một điểm sáng xứng đáng để gọi là thành phố đáng sống. Đặc biệt, bây giờ ai cũng xem Đà Nẵng là điểm đến để tổ chức những sự kiện lớn tầm cỡ quốc tế. Đây là niềm tự hào không chỉ của Đà Nẵng mà còn là của Việt Nam”. Để chứng minh cho sức hấp dẫn của Đà Nẵng, bà Hương bật mí, hiện nay đang hoàn tất thủ tục đầu tư một dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hơn 1.000 tỷ đồng tại Đà Nẵng.

Là một nhà đầu tư lớn tại Đà Nẵng, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn SGI cho rằng, trong mấy hôm nay họp Hội đồng Tư vấn ABAC (Hội đồng ABAC có nhiều các nhà đầu tư quốc tế, các Chủ tịch tập đoàn lớn quốc tế và các tỷ phú trên thế giới) có người 10 năm mới quay lại, có người 2 đến 3 năm mới quay lại nhưng họ đều bất ngờ sao mà thành phố Đà Nẵng lại đẹp như thế, đặc biệt bất ngờ hơn nữa với ý thức của người dân thành phố qua sự việc mưa bão mà chính quyền thành phố kịp thời ra lời hiệu triệu cả chính quyền và người dân thành phố đều xuống đường ngay trong mưa bão để dọn dẹp vệ sinh, giữ gìn thành phố sạch đẹp. “Ở Đà Nẵng nhiều khách sạn 5 sao hơn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nói vậy không phải chê Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà là khen Đà Nẵng, vì Đà Nẵng là thành phố làm du lịch rất tốt”, ông Tâm cũng chia sẻ.

 XUÂN ĐƯƠNG – HẢI HẬU