Thương hiệu đặc sản xứ Quảng cần một “cú hích”
(Cadn.com.vn) - Đặc sản xứ Quảng không chỉ là mặt hàng để kinh doanh mà còn là kết tinh văn hóa của cả một vùng đất. Duy trì được những làng nghề này, để thương hiệu tiếp cận với người dân chính là một trong những công tác giữ gìn văn hóa. Là vùng đất có ngư trường rộng lớn với hàng chục làng chài nổi tiếng nghề đánh bắt nhưng những thương hiệu nước mắm Hà Quảng (P. Điện Dương, thị xã Điện Bàn) hoặc nước mắm Duy Trinh (xã Duy Hải, H. Duy Xuyên), Cửa Khe (xã Bình Dương, H. Thăng Bình) là cái tên còn nhiều xa lạ. Không khó để nhận thấy rằng tại những cửa hiệu tạp hóa ở những nơi sản xuất nước mắm này người dân vẫn sử dụng nước mắm từ những thương hiệu khác như Chinsu, Nam Ngư, Phú Quốc. Nhiều người dân cho biết họ chọn mua thương hiệu này vì... có tiếng, được quảng cáo nhiều trên tivi. Vẫn biết mắm ở địa phương thơm ngon nguyên chất hơn nhưng vì thói quen mua và bán lâu nay vẫn vậy nên chưa từng nghĩ sẽ chuyển sang sử dụng mắm địa phương. Ông Trần Minh Hoàng (Chủ tịch UBND P. Điện Dương) chia sẻ: “Hiện nay số hộ sản xuất nước mắm Hà Quảng còn rất ít và nguy cơ mai một làng nghề trầm trọng. Sản phẩm không có đầu ra và các dự án về kinh tế “choán” mất phần. Hiện nay làng nghề nước mắm Hà Quảng có nguy cơ bị mai một cần phải được xây dựng, bố trí cơ sở sản xuất nhưng lại vướng phải quy hoạch treo chính vì vậy không thể mở rộng thương hiệu này”.
Cũng giống như nghề sản xuất nước mắm truyền thống, nghề làm bánh tráng, sản xuất dầu mè ở Đại Lộc và Duy Xuyên cũng đang cần một cú “hích” trên hành trình phát triển. Ông Nguyễn Công Dũng (Bí thư kiêm Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên cho biết): “Không chỉ riêng nghề sản xuất nước mắm mà hầu hết các sản vật của địa phương hiện nay cũng đang có nguy cơ bị thu hẹp dần vì không có đầu ra, người trụ lại với nghề cũng rất ít. Thêm vào đó các cơ sở xí nghiệp mọc lên nhiều nên đa phần người trẻ tuổi đi làm công nhân. Duy Xuyên là vùng đất có nhiều đặc sản như bánh tráng, cá khô, nước mắm... thế nhưng chỉ cung cấp trong vùng là chủ yếu. Huyện cũng đã có nhiều giải pháp khuyến khích người dân nhưng chính họ cũng cảm thấy quá khó khăn nên từ bỏ mà tìm nghề khác”.
Để khuyến khích sản xuất và quảng bá các mặt hàng đặc sản tại địa phương trong dịp tổ chức Đại hội Đảng bộ H. Duy Xuyên vừa qua UBND H. Duy Xuyên đã tổ chức trưng bày các gian hàng sản vật của từng địa phương trong vùng. “Đây cũng là dịp để các làng nghề truyền thống có thêm sự giao lưu, niềm tin duy trì nghề truyền thống và khẳng định vai trò của việc phát triển thương hiệu đặc sản địa phương song song với phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, ông Dũng cho biết.
Thiết nghĩ trên hành trình bảo vệ văn hóa, phát triển nghề truyền thống tại địa phương cần lắm sự chung tay góp sức của cả cộng đồng nhất là trên “sân nhà” để thương hiệu được bay xa.
Đồng Dao