"Thương hiệu" mới của biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng

Thứ sáu, 22/02/2019 11:50

Cảng Đà Nẵng là một trong các cảng biển lớn của nước ta, có vị trí quan trọng cả về kinh tế, chính trị, QP-AN và đối ngoại của khu vực miền Trung-Tây nguyên. Chính vì thế, nhiệm vụ của Biên phòng cửa khẩu Cảng Đà Nẵng (BPCK) là quản lý, bảo vệ chủ quyền, ANTT ở khu vực cửa khẩu Cảng Đà Nẵng và khu vực biên giới biển bao gồm phường Thanh Bình, Thuận Phước, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng"-Thượng tá Vũ Minh Thành, Chỉ huy trưởng BPCK Cảng Đà Nẵng mở đầu câu chuyện. Đổi mới công tác thủ tục, kiểm soát xuất nhập cảnh (XNC) tại Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng chính là nội dung xuyên suốt được Thượng tá Thành trao đổi để làm nổi bật hoạt động của đơn vị trong tình hình mới. Qua tìm hiểu, những năm gần đây, đơn vị đã chủ động đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủ tục, kiểm soát XNC với mục tiêu đảm bảo yêu cầu chủ quyền, an ninh, đối ngoại. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa lưu thông qua cửa khẩu Cảng Đà Nẵng; góp phần phục vụ chính sách hội nhập, phát triển của thành phố, khu vực miền Trung-Tây nguyên và của cả nước. 

Lực lượng BĐBP tuần tra bảo vệ tàu quân sự nước ngoài cập Cảng Đà Nẵng.

Với việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử đã giảm đáng kể thời gian làm thủ tục đối với tàu, thuyền XNC; tiết kiệm chi phí đi lại, chi phí neo đậu của phương tiện. Thuyền viên, hành khách có thể đi bờ, xếp dỡ hàng hóa ngay khi tàu cập cầu cảng. Bên cạnh đó, cùng với việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển, BPCK Cảng Đà Nẵng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đầu tư trang bị kỹ thuật trong thực hiện công tác kiểm tra giám sát tàu thuyền, thuyền viên, hành khách, hàng hóa lưu thông qua cửa khẩu cảng. Con số hàng năm có hơn 70 lượt tàu khách du lịch đến cảng, với số lượng khách du lịch từ 2.000-3.000 khách/1 tàu, chương trình tham quan du lịch chỉ diễn ra trong ngày. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, thuyền viên đi bờ, giảm thời gian chờ đợi, đơn vị đã động viên CBCS tự học, tự rèn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, CNTT làm chủ trang bị kỹ thuật, thực hiện tốt các bước thủ tục XNC, kiểm tra giám sát; xây dựng phần mềm quản lý, kiểm soát thuyền viên, khách đi bờ. Qua đó từng bước giảm thời gian kiểm soát đối với thuyền viên, hành khách đi bờ hiện nay còn 30 giây/người.

Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BPCK Cảng Đà Nẵng, Trung tá Hoàng Hữu Hà cũng rất tâm đắc về hoạt động của đơn vị trong công tác đối ngoại biên phòng. Anh cho biết "Tàu quân sự là "Lãnh thổ đặc biệt" của một quốc gia có chủ quyền. Do đó, quá trình đón, tiễn và thời gian tàu neo đậu tại cảng, lưu lượng người đến tham quan, giao lưu với thủy thủ đoàn rất lớn, thành phần đa dạng, phức tạp. Vì thế, công tác đảm bảo an ninh, an toàn các tàu đến cảng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nặng nề; vừa phải đảm bảo yêu cầu chặt chẽ về nghiệp vụ, vừa phải nhanh chóng, thuận tiện cho thủy thủ đoàn, khách ra vào khu vực, lên, xuống tàu". Thực tế là số lượng tàu quân sự đến Cảng Đà Nẵng hàng năm tuy không nhiều so với các loại tàu hàng, tàu khách, nhưng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu, thủy thủ đoàn là một vấn đề rất lớn được đặt ra. Bởi lẽ, Cảng Đà Nẵng là cảng tổng hợp, không có phân khu chức năng đối với các hoạt động như: khu đón tiếp, khu họp báo... mà chủ yếu được thiết lập tạm thời. Trong cảng thường xuyên có các phương tiện ra vào xếp dỡ hàng hóa, lưu lượng phương tiện ra vào nhiều, dễ dẫn đến mất trật tự và ách tắc giao thông, gây khó khăn cho công tác bảo vệ tàu quân sự. Từ năm 2013 đến nay, BPCK Cảng Đà Nẵng đã đón, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho 57 lượt tàu quân sự nước ngoài với gần 17.000 thủy thủ. Riêng trong năm 2018 đón 11 chuyến tàu quân sự nước ngoài đến cảng với hơn 7.500 thủy thủ.

Thượng tá Vũ Minh Thành khẳng định: "Cùng với việc đổi mới công tác thủ tục, kiểm soát XNC tại cửa khẩu Cảng Đà Nẵng thì công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu quân sự nước ngoài, BPCK Cảng Đà Nẵng không chỉ để lại những hình ảnh tốt đẹp đối với thủy thủ đoàn tàu quân sự các nước mà đã trở thành "Thương hiệu" trong lực lượng BĐBP cả nước".

PHƯƠNG KIẾM